Gần 4.150MW điện gió từ Lào chờ bán cho Việt Nam

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150MW.
Thủ tướng ra "tối hậu thư" hoàn thành cơ chế mua bán điện khí, điện gió Khẩn trương đề xuất cơ chế thí điểm cho điện gió ngoài khơi

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương cho biết, nguồn điện cho miền Trung và Nam sẽ đảm bảo tới 2030, nếu các nguồn mới trong Quy hoạch điện VIII bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Tuy nhiên, với miền Bắc, cung ứng điện trong các tháng cuối mùa khô đến năm 2030 sẽ hết sức khó khăn và khu vực này thiếu điện từ 2025. Do đó, việc nhập khẩu từ Lào sẽ hỗ trợ giảm nguy cơ thiếu điện các năm tới.

Theo EVN, việc này cũng giúp hạ chi phí mua điện khi tỷ trọng các nguồn giá rẻ như thủy điện giảm dần và các nguồn giá cao như khí LNG, điện gió ngoài khơi… có xu hướng tăng, theo Quy hoạch điện VIII.

Cũng theo EVN, đơn vị này nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào muốn bán điện cho Việt Nam, với tổng công suất gần 4.150MW. Trong số trên, công suất nhà đầu tư Lào đề nghị bán trước năm 2025 là hơn 682MW, số còn lại sau thời gian này. Các dự án điện gió từ Lào dự kiến đưa về Việt Nam qua đường dây truyền tải khu vực Quảng Trị.

Gần 4.150MW điện gió từ Lào chờ bán cho Việt Nam
Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, công suất điện gió các nhà đầu tư Lào muốn bán cho Việt Nam đang vượt khả năng tiếp nhận của lưới điện khu vực. Hiện phần lớn các đường dây 200kV, 110kV tại khu vực này thường xuyên vận hành ở mức 80 - 100% công suất cho phép. Đặc biệt, riêng các tháng mùa khô (tháng 5 - 7), khu vực này chỉ tiếp nhận được tối đa 300MW, các tháng còn lại trong năm tiếp nhận ở mức thấp hơn.

Theo EVN, trước khi đưa vào vận hành trạm biến áp 500kV Lao Bảo, khu vực này khó tiếp nhận thêm công suất nhập khẩu từ Lào do hiện các đường dây 220kV đều vận hành ở chế độ tải cao. Nếu bổ sung thêm hạ tầng lưới, trạm biến áp 500kV Hướng Hóa và các đường dây đấu nối (dự kiến từ cuối 2027), khả năng nhận điện từ Lào tăng lên 2.500MW nhưng vẫn thấp hơn gần 1.650MW so với tổng công suất điện gió của các nhà đầu tư muốn bán cho Việt Nam là gần 4.150MW.

Công ty Mua bán điện (EPTC) cũng vừa có văn bản gửi EVN về việc tính toán khung giá phát điện nhập khẩu điện từ Lào.

Theo đề xuất, các dự án điện gió từ Lào dự kiến đưa về Việt Nam qua đường dây truyền tải khu vực Quảng Trị. Ngoài đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ đầu tư từ tháng 9/2023, EVN đề nghị được bổ sung các công trình lưới, đấu nối khác, gồm đường dây 220kV, 500kV mạch kép từ biên giới về Lao Bảo vào Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện quy hoạch này.

Công ty Mua bán điện cho biết đang đàm phán giá với các dự án điện gió, thủy điện để nhập khẩu vào Việt Nam nhưng chưa có quy định về tính toán khung giá đối với các nguồn điện nhập khẩu để làm cơ sở đàm phán cho các dự án vận hành sau ngày 31/12/2025.

Đối với thủy điện, Công ty Mua bán điện đề xuất áp dụng nguyên mức giá trần cho giai đoạn vận hành trước ngày 31/12/2025, là 6,95 cent/kWh. Còn với điện gió, mức giá đề xuất mới là 5,51 cent/kWh (khoảng hơn 1.377 đồng), giảm từ 6,95 cent/kWh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động