Huyện Đông Anh: Quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa phi vật thể

Thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành uỷ về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội: Huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ lên quận trước Hoài Đức, Đan Phượng Công an Đông Anh hướng dẫn người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Huyện Đông Anh: Rực rỡ sắc màu hội trại truyền thống

Quan tâm nghệ thuật truyền thống

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, huyện Đông Anh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt ở lĩnh vực di sản và nghệ thuật truyền thống.

Ông Đặng Giang Sơn –Trưởng phòng VHTT huyện Đông Anh cho biết, tính đến nay, huyện đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia gồm có Lễ hội Cổ Loa, Rối nước Đào Thục và 1 di sản nằm trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, đó là ca trù Lỗ Khê. Ngoài ra, 14 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.

Huyện Đông Anh: Quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa phi vật thể
Rối nước Đào Thục ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh

Huyện cũng thành lập 5 Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống theo Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, gồm: CLB Ca trù Lỗ Khê, Chèo Dục Tú, Tuồng Xuân Nộn, Nghệ thuật truyền thống và Phường múa Rối nước Đào Thục (Thuỵ Lâm).

Song song đó, huyện Đông Anh đã tổ chức mở 21 lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho 466 học viên. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, CLB nghệ thuật Tuồng – Chèo Cổ Loa, Chèo Vân Hà, Chèo Dục Tú của huyện mở được 4 lớp tập huấn cho trên 200 học viên. Các CLB nghệ thuật truyền thống không chỉ tích cực biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn góp phần thu hút khách du lịch. Đặc biệt, phường múa Rối nước Đào Thục biểu diễn được 48 buổi với hơn 9.500 lượt khách, thu về 165 triệu để duy trì hoạt động biểu diễn.

Huyện Đông Anh: Quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa phi vật thể
Các CLB biểu diễn Tuồng Xuân Nộn, một loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn Đông Anh

Phát huy giá trị của các di tích lịch sử

Là mảnh đất có bề dày truyền thống và hệ thống các di tích lịch sử phong phú, trong những năm qua, huyện Đông Anh đã chú trọng khai thác và phát huy nguồn lực này.

Hiện trên địa bàn huyện có 142 di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng. Trong đó, 7 di tích trong cụm di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 72 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Đối với các công trình di tích đã xuống cấp, huyện Đông Anh tiến hành các bước trong quy trình đầu tư. Đến nay, 17 dự án hoàn thành, 13 dự án chuẩn bị khởi công, 53 dự án đã phê chủ trương đầu tư, 12 dự án đã giao nhiệm vụ để lập chủ trương đầu tư. Đặc biệt, huyên đã đề xuất 27 di tích vào danh mục đầu tư công của Thành phố theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND.

Đến nay, 100% các di tích đã được phê chủ trương đầu tư đang thực hiện các bước theo quy trình đầu tư dự án. Điển hình là, Dự án Xây dựng Đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại khu di tích Cổ Loa, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản về vị trí xây dựng Đền thờ đức vua Ngô Quyền.

Ngoài ra, 3 dự án hoàn thiện thủ tục trình kỳ họp HĐND TP, đó là Công viên di sản kết hợp quảng trường và công trình công cộng tại Khu di tích Thành Cổ Loa, Quán cơm cụ Tấc, Đình Mạch Tràng.

Huyện Đông Anh: Quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa phi vật thể
Khu di tích Cổ Loa

Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai thực hiện việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật, cổ vật, đồ thờ tự tại 21 di tích trên địa bàn với tổng số 1.852 hiện vật.

Đáng chú ý, huyện Đông Anh đã chú trọng vào nhiệm vụ phát huy nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Toàn huyện đã số hóa 2D tổng số 221/319 di tích lịch sử văn hóa, số hóa 3D di tích quốc gia Đền Sái trên chuyên trang du lịch www.donganh360.vn và Cổng thông tin điện tử Sở Du Lịch Hà Nội.

6 tháng đầy năm 2024, huyện đã tổ chức thành công Tuần du lịch văn hoá “Hành trình di sản từ Đền Sái về Cổ Loa, thu hút 150 nghìn lượt du khách đến tham quan, thu về 5,8 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với năm 2023).

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 1.085 năm đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa, huyện Đông Anh đã tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp với công nghệ trình chiếu ánh sáng hiệu ứng 3D mapping được dư luận Nhân dân đánh giá cao, tạo điểm nhấn ấn tượng trong lễ kỷ niệm.

Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Phó phòng VHTT huyện Đông Anh, đây là điểm mới được thử nghiệm nhằm thực hiện trong nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa tại huyện. Ngay trong tuần triển khai thực hiện lễ kỷ niệm, khu di tích Cổ Loa đã đón khoảng gần 5.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm. Trong ngày diễn ra lễ kỷ niệm, khu di tích Cổ Loa đón gần 2.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm; 2.000 lượt người tham dự trực tiếp chương trình và trên 70.000 lượt người xem trên nền tảng mạng xã hội.

Thời gian tới, huyện Đông Anh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục triển khai lập hồ sơ đề nghị đưa lễ hội Kén rể thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về chế độ, hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Thái Sơn
Phiên bản di động