Ứng xử văn minh làm nên diện mạo mới của di tích, thắng cảnh

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích, danh thắng.Việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh tại các di tích, danh lam, đã và đang góp phần thể hiện sự trân trọng với các di sản, đồng thời mang đến diện mạo mới cho những công trình này.
Hình thành lối ứng xử văn minh tại các di tích Trưng bày chuyên đề "Một thoáng di sản" Hưng Yên – Những điểm du lịch linh thiêng

Phụ nữ tích cực “vào cuộc”

Hiện nay, TP Hà Nội sở hữu 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố.

Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để tạo sức bật cho phát triển du lịch Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã tập trung quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô, đồng thời ra mắt nhiều sản phẩm mới. Bên cạnh đó, để tạo ấn tượng và níu chân du khách, TP đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình, mô hình như “Di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn”, mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu”…

Ứng xử văn minh làm nên diện mạo mới của di tích, thắng cảnh
Di tích đền - chùa Bà Tấm ở huyện Gia Lâm

Đáng chú ý, trong việc triển khai các mô hình trên, sự tham gia của các cấp Hội Phụ nữ địa phương đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét.

Tại huyện Gia Lâm, Hội LHPN huyện đã ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử, điểm du lịch kiểu mẫu”; CLB hướng dẫn viên du lịch “Gia Lâm trong tôi”. Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm cho hay, hiện nay, huyện có trên 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến. Để những di tích trở thành điểm đến hấp dẫn, huyện đã xây dựng được một đội ngũ hướng dẫn viên để hướng dẫn đoàn khách khi đến tham quan di tích.

Khu di tích đền – chùa Bà Tấm thờ Nguyên phi Ỷ Lan trở thành mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” với không gian thực hiện chính là khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan gồm chùa Linh Nhân Tư Phúc, đền thờ Bà Tấm, Điện Sơn Trang và Khu vực tượng đài Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Tại đây, các chị em phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi lao động, tổng vệ sinh, làm cỏ theo lịch phân công đến từng chi hội trong xã. Mỗi tháng 2 lần, các chi hội sẽ thay nhau thực hiện hoạt động tổng vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên khu di tích.

Hội LHPN Dương Xá cũng thực hiện việc đặt các thùng phân loại rác. Rác hữu cơ, rác vô cơ được phân loại khi thu gom, nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, tạo thêm nguồn kinh phí để mua cây xanh trang trí; đồng thời, tái chế các vỏ chai nhựa thành các giỏ hoa trang trí trên chính những thùng phân loại rác.

Đáng chú ý, Hội LHPN xã cũng đã tích cực giới thiệu, quảng bá những giá trị tốt đẹp của khu di tích và tuyên truyền các nội dung của Cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp.

Trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn

Tại huyện Đông Anh, Hội LHPN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích đình, đền, chùa và các điểm di tích trên địa bàn xã; triển khai vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, các hộ gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích.

Bên cạnh đó, chị em phụ nữ đã tuyên truyền nội dung ứng xử văn minh, lịch sự nơi di tích như: Luôn chào nhau bằng nụ cười, sẵn sàng nói cảm ơn, xin lỗi; ứng xử lịch sự và thân thiện; trang phục phù hợp, không tạo dáng phản cảm để quay phim, chụp ảnh; giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định; tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán địa phương; không khắc, vẽ lên tường, tượng hay công trình kiến trúc; không phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan; không chèo kéo, bám theo du khách…

Ứng xử văn minh làm nên diện mạo mới của di tích, thắng cảnh
Phụ nữ huyện Đông Anh tích cực xây dựng mô hình "Di tích lịch sử kiểu mẫu" tại di tích Cổ Loa

Việc lắp đặt biển bảng tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử tại Di tích lịch sử kiểu mẫu tại tất cả các điểm chính của các di tích được triển khai rất nghiêm túc. Mô hình điểm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa là một điển hình và đã mang lại màu sắc mới về môi trường, ứng xử văn minh nơi di tích, thắng cảnh. Không chỉ góp phần nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn xã Cổ Loa, du khách thập phương, học sinh về thăm quan, trải nghiệm tại khu di tích, mô hình này đang góp phần làm thay đổi diện mạo của di tích, danh lam thắng cảnh của Thủ đô nói chung.

Tiếp tục nhân rộng

Có thể thấy rõ, hiện nay, công tác quản lý về di tích tiếp tục được đẩy mạnh và đồng bộ trên khắp các quận, huyện, thị ở Hà Nội. Tại Nam Từ Liêm, địa bàn quận có 71 di tích trong danh mục kiểm kê của thành phố. Do đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, con người, ẩm thực Nam Từ Liêm luôn được chú trọng.

Hiện nay,100% các di tích thực hiện niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng và có hướng dẫn, nội quy, quy định tại di tích như: Đối với người đến tham quan, hành lễ tại di tích cần chấp hành nội quy, quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự; tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; trang phục phù hợp thuần phong mỹ tục; giữ gìn trật tự, có ý thức bảo vệ môi trường; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; có ý thức bảo vệ cảnh quan không gian kiên trúc nơi thờ tự; thực hiện nghi thức truyền thống theo quy định, tôn trọng phong tục tập quán của địa phương hoặc đối với người trông coi di tích cần thực hiện; trang phục phù hợp thuần phong mỹ tục; bảo vệ, giữ gìn làm đẹp cảnh quan môi trường; ưu tiên giúp đỡ người khuyết tật, người già, trẻ em…

Ứng xử văn minh làm nên diện mạo mới của di tích, thắng cảnh
Biển quy định về quy tắc ứng xử tại các di tích ở Thanh Oai

Đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin quận Nam Từ Liêm cho hay, dự kiến, trong quý III, UBND quận sẽ chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn tổ chức Lễ phát động mô hình quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại Miếu Đầm, phường Mễ Trì.

Việc triển khai nhân rộng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”, “Di tích lịch sử kiểu mẫu”… nhằm cụ thể hoá việc đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng đi sâu vào cuộc sống thực sự đã góp phần đưa các di tích, danh lam, thắng cảnh của Thủ đô trở thành điểm đến hấp dẫn, níu chân khách du lịch, đồng thời hình thành lối sống đẹp, hình ảnh đẹp về người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thái Sơn
Phiên bản di động