EVN: Lãi hàng nghìn tỷ vẫn tăng giá điện và sở thích “không kỳ hạn”

Mặc dù năm 2018 EVN lãi ròng hơn 6.800 tỷ đồng nhưng vì sao ngành điện vẫn phải tăng giá bán lẻ điện khiến dư luận xôn xao? Bên cạnh đó, “sở thích” quản trị dòng tiền khủng trên tài khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, với số tiền lên tới hơn 34.200 tỷ đồng và khoản đầu tư có kỳ hạn dưới 3 tháng lên tới 15.000 tỷ là điều khiến dư luận rất khó hiểu?
Giá rao bán gần gấp đôi thị trường, không ai mua cổ phần tại EVNPECC3 của EVN EVN: Mục tiêu trên 43% khách hàng sẽ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt Nguy cơ thiếu điện trầm trọng vì loạt dự án của EVN, TKV chậm tiến độ

Từ khoản lãi khủng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố, năm vừa qua, tập đoàn này ghi nhận 338.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14,8% so với năm 2017. Sau khi trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp của EVN đạt 53.158 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2017.

Năm 2018, EVN ghi nhận 3.663 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, giảm nhẹ 4,2%. Ngược lại, EVN cũng ghi nhận 569 tỷ đồng lãi trong các công ty liên doanh, liên kết, giảm 20%. Bên cạnh đó, EVN còn ghi nhận 751 tỷ đồng lợi nhuận khác, gấp đôi năm 2017.

Cũng trong năm vừa qua, chi phí tài chính của EVN cũng tăng mạnh lên 29.055 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 30%. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, EVN ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ hơn 7.700 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với năm trước đó. Ngoài ra, còn có khoản lỗ từ hoạt động đầu tư 2.739 tỷ đồng, và khoản chi phí lãi vay gần 18.900 tỷ đồng.

evn lai hang nghin ty van tang gia dien va so thich khong ky han
Kết thúc năm 2018, EVN ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 6.818 tỷ đồng, tăng hơn 220 tỷ đồng so với năm 2017.

Chiếu theo báo cáo tài chính hợp nhất, các khoản chi phí khác của EVN cũng tăng mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng từ 6.525 tỷ đồng lên mức 6.711 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 12.068 tỷ đồng lên mức 13.301 tỷ đồng.

Với những kết quả trên, kết thúc năm 2018, EVN ghi nhận 9.076 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,4% so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế gần 6.818 tỷ đồng, tăng hơn 220 tỷ đồng so với năm 2017.

Như vậy, mặc dù năm 2018, EVN lãi ròng hơn 6.800 tỷ đồng nhưng EVN vẫn tăng giá bán lẻ điện, đây là câu hỏi đang khiến dư luận và người dân thắc mắc?

Trước đó, từ ngày 20/3/2019, mức giá bán lẻ điện bình quân được thông báo tăng thêm 8,36%. EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá này.

Những vấn đề kiểm toán ngoại trừ và lưu ý

Theo ghi nhận của phóng viên, tại báo cáo tài chính hợp nhất 2018 đã kiểm toán bởi Công ty Deloitte, kiểm toán viên đã nêu ra nhiều vấn đề tại EVN.

Theo đó, tại phần cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ, đơn vị kiểm toán nêu rõ: "Như trình bày tại Thuyết minh số 02 Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1-Công ty con của tập đoàn) được hợp nhất toàn bộ vào báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn. Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về số liệu báo cáo tài chính của PECC1 cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 vì giới hạn về phạm vi kiểm toán và chúng tôi không thực hiện được các thủ tục kiểm toán bổ sung đối với báo cáo tài chính của PECC1. Do đó, chúng tôi không thể xác định được các điều chỉnh cần thiết đối với các khoản mục có liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018".

evn lai hang nghin ty van tang gia dien va so thich khong ky han
Kiểm toán lưu ý các vấn đề tại EVN.

Bên cạnh đó, tại phần các vấn đề cần nhấn mạnh, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý về việc tại Thuyết minh số 01 Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức báo cáo quyết toán cổ phần hóa của Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty Cổ phần (Công ty con của tập đoàn) tại thời điểm công ty còn này chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Đặc biệt, tại ngày 31/12/2018, EVN có một số khoản nợ công tiềm tàng như trình bày tại Thuyết minh số 31 phần Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất. Đáng nói, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được EVN công bố thì phóng viên không tìm thấy phần Thuyết minh chi tiết về khoản nợ công tiềm tàng như đơn vị kiểm toán đã lưu ý.

... Và “sở thích” gửi không kỳ hạn, đầu tư siêu ngắn hạn

Cũng theo số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất, đến hết năm 2018, EVN có khoản nợ phải trả ở mức 489.058 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 121.623 tỷ đồng, nợ dài hạn là 367.434 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của EVN đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 217.446 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% sau một năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vẫn duy trì ở mức 2,2 lần, tương đương cuối năm 2017.

evn lai hang nghin ty van tang gia dien va so thich khong ky han
EVN đang có khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn lên tới hơn 34.200 tỷ đồng.

Về tài sản, tính đến hết năm 2018, EVN ghi nhận tổng tài sản đạt 706.504 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định chiếm tới 499.585 tỷ đồng, tương đương 71%; tài sản dở dang dài hạn cũng ghi nhận 65.214 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý, EVN đang có tiền và các khoản tương đương tiền 50.205 tỷ đồng, trong đó khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn lên tới hơn 34.200 tỷ đồng, hơn 15.000 tỷ đầu tư ngắn hạn dưới 3 tháng.

Về vấn đề này, dư luận đã từng “sốc” khi tập đoàn này lần đầu lộ ra con số 42 nghìn tỷ trên tài khoản không kỳ hạn vào tháng 6/2018. Lý giải cho điều này, EVN cho rằng vì cơ cấu tổ chức hàng chục đơn vị cấp 2, hàng trăm đơn vị cấp 3, 4 nền cần tiền để hoạt động; EVN cũng phải dành tiền để mở LC thanh toán, trả nợ bên bán...

Tuy nhiên, giải trình này không hoàn toàn thuyết phục khi chỉ riêng tại Công ty mẹ - EVN cũng đang có hơn 14 nghìn tỷ trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Phần còn lại mới phân tán tại các công ty con. Nếu EVN quản trị dòng tiền tốt, EVN hoàn toàn có thể thu hàng trăm tỷ cho nhà nước từ nguồn lực này, ít nhất, EVN không lỗ khủng từ hoạt động tài chính như thời gian qua.

Việc mở L/C thanh toán cũng không nhất thiết phải để tiền trên TK không kỳ hạn (đặc biệt khi EVN luôn là khách VIP của các ngân hàng). Về khoản thanh toán cho bên bán, đây là khoản “mãn tính”, thường kỳ, nghĩa là số dư này hiện hữu ở nhiều mốc thời gian khác nhau (cuối năm 2017, 6 tháng 2018, cuối năm 2018), EVN hoàn toàn có thể quản trị được!

Cũng liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 5/2019, Bộ trưởng Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tham gia kiểm tra, làm rõ việc quản lý dòng tiền của Tập đoàn điện lực cũng như tình trạng tài chính của tập đoàn.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào có đánh giá về vấn đề này!

Doãn Hưng - Hậu Lộc
Phiên bản di động