TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

"Dứt khoát phải bảo vệ và phát huy giá trị của hồ Tây"

Lâu nay, những chiếc tàu, thuyền cũ nát trên hồ Tây do một số doanh nghiệp không chịu di dời không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự ở khu vực quanh hồ Tây (Hà Nội). Điều này khiến các cơ quan chức năng phải đưa ra những giải pháp quyết liệt để xử lý.
Quận Tây Hồ: Kiên quyết di dời tàu cũ nát ra khỏi hồ Tây Kiên quyết di dời "bãi phế liệu nổi" ra khỏi hồ Tây, trả lại "lá phổi xanh" cho Thủ đô Duy trì trật tự đô thị đường ven Hồ Tây

Về vấn đề này, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

PV: Thưa ông, từng là Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của hồ Tây trong quy hoạch của Thủ đô?

TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Trước hết, cần khẳng định, trong định hướng phát triển Hà Nội gần đây cũng như trong quy hoạch được duyệt vào năm 1992, năm 1998, năm 2011 đều xác định hồ Tây là khu vực cảnh quan thiên nhiên đặc biệt mang đậm tính chất văn hóa, truyền thống của TP Hà Nội.

Khu vực nội đô được xác định có tính chất đặc thù, mang đậm dấu ấn Thăng Long – Hà Nội gồm trung tâm Hồ Gươm, khu Ba Đình, khu phố Cổ và khu xung quanh hồ Tây.

undefined
Những chiếc tàu, thuyền cũ nát gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Gần đây nhất, trong định hướng phát triển Hà Nội đã đặt ra, hồ Tây là điểm liên kết giữa trục không gian truyền thống Ba Vì – hồ Tây và hồ Tây – Cổ Loa.

Năm 1994, trong quy hoạch của thành phố, hồ Tây được định hướng để khai thác cảnh quan thiên nhiên đặc thù của Hà Nội để phục vụ phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân; Đồng thời, để đảm bảo vệ sinh môi trường, cân bằng sinh thái của Hà Nội. Khi đó, quy hoạch cũng đặt ra những vấn đề cảnh quan đường dạo, đường đi bộ ở ven hồ và đặc biệt là khai thác mặt nước hồ Tây.

'Dứt khoát phải bảo vệ và phát huy giá trị của Hồ Tây'
TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

PV: Thưa ông, hiện những chiếc tàu, thuyền cũ nát trên hồ Tây do một số doanh nghiệp không chịu di dời không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ông đánh giá ra sao về chủ trương di dời các "tàu hoang" này của chính quyền thành phố?

TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi cho rằng, đó là một chủ trương đúng đắn và chính quyền Hà Nội cần phải làm quyết liệt, dứt khoát.

Không phải bây giờ mà ngay từ thời Pháp, chính quyền đô thị thời ấy đã đặt ra mục tiêu khai thác mặt nước hồ Tây một cách có hiệu quả, trở thành vui chơi, giải trí trên mặt nước, thậm chí họ đặt ra yêu cầu là tạo ra thủy phi cơ và đua thuyền trên hồ Tây.

undefined
Việc sớm di dời những chiếc tàu cũ, nát ra khỏi hồ Tây là cần thiết

Sau quy hoạch năm 1994, vấn đề xem xét lại du thuyền trên hồ Tây được đặt ra. Lúc đó, chính quyền thành phố đã rà soát lại và bỏ một số dự án không thích hợp, đặc biệt là chỉnh trang, rà soát lại các du thuyền ăn uống, xả rác, khí thải độc hại.

Một số doanh nghiệp sở hữu tàu thuyền, kinh doanh tại đây đã khai thác mặt nước không hiệu quả. Những chiếc tàu thuyền cũ nát hiện còn tồn tại ở đây không chỉ làm nhếch nhác diện mạo khu vực quanh hồ Tây mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, nhiều năm nay, chúng ta đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường đô thị. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, không xả nước thải sinh hoạt vào hồ Tây nữa mà kết nối hồ nhân tạo, lấy nước sông Hồng, sau đó làm sạch, thay nước hồ Tây. Nhiều dự án làm sạch hồ đã đặt ra nhưng chưa đủ nguồn lực để thực hiện.

Do vậy, việc tái khởi động việc di dời những du thuyền bỏ hoang lâu ngày, trả lại cảnh quan thiên nhiên vốn có của hồ Tây, làm sạch môi trường là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại.

'Dứt khoát phải bảo vệ và phát huy giá trị của Hồ Tây'
UBND quận Tây Hồ đang phối hợp với các cơ quan liên quan quyết tâm trong quý I/2023, sẽ di dời những chiếc “tàu ma” cuối cùng ra khỏi Hồ Tây

PV: Thưa ông, ở khía cạnh văn hóa, hồ Tây như một di sản của thành phố Hà Nội bởi bao quanh khu vực này là làng mạc, di tích, chùa chiền cổ kính với bề dày lịch sử. Quan điểm của ông như thế nào về việc bảo vệ và phát huy giá trị của thắng cảnh này?

TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hồ Tây có diện tích hơn 500ha. Có thể nói, hiếm có nơi nào trên thế giới lại có hồ trong nội đô với diện tích lớn và được bao phủ xung quanh bởi không gian, kiến trúc và văn hóa cổ xưa như vậy.

Hiện tồn tại khoảng hơn 20 công trình văn hóa quanh hồ Tây như chùa chiền, miếu phủ, làng hoa Nghi Tàm từ giai đoạn phong kiến. Như vậy, đây là không gian văn hóa truyền thống lâu đời của thành phố Hà Nội.

Đã có những cuộc hội thảo khoa học của Hà Nội về hồ Tây, trong đó, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước từng đặt ra vấn đề lập hồ sơ để công nhận hồ Tây là di tích quốc gia.

'Dứt khoát phải bảo vệ và phát huy giá trị của Hồ Tây'
Bao quanh Hồ Tây có những công trình Phật giáo mang đậm dấu ấn lịch sử.

Quy hoạch thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030 cũng đã xác định các vị trí khu thắng cảnh, khu di tích thiên nhiên đặc trưng của Hà Nội.

Vì vậy, dứt khoát phải di dời những chiếc tàu cũ nát, kiên quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sau đó nghiên cứu đề xuất để khai thác mặt nước hồ Tây có hiệu quả.

Theo tôi, nhân dịp chúng ta đang làm lại quy hoạch 2021 – 2030 và điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô thì nên xem xét, nghiên cứu về đề xuất lập hồ sơ để công nhận hồ Tây là di tích quốc gia; tạo cơ sở pháp lý, hành lang mới cho việc khai thác, từ đó phát huy vai trò, giá trị của hồ Tây. Đây là việc phải làm, nên làm ngay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Sơn (thực hiện)
Phiên bản di động