Đường sắt đô thị - giải pháp giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội

Hà Nội phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông.
Hà Nội phải hoàn thành 14 tuyến đường sắt đô thị trước năm 2035 Chính phủ lập tổ công tác đôn đốc tiến độ đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM Hà Nội sẽ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị Mạng lưới đường sắt đô thị giải quyết triệt để ùn tắc giao thông

Vai trò kết nối của đường sắt đô thị

Đây là một trong những nội dung tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.

đường sắt đô thị được cho là “chìa khóa”, là giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội hiện nay. Ảnh: TN
Đường sắt đô thị được cho là “chìa khóa”, là giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội hiện nay. Ảnh: TN

Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nội dung liên quan tới xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông tại Hà Nội được người dân và cử tri đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, giải bài toán giao thông đô thị, tránh tình trạng kẹt xe, ô nhiễm, môi trường được nhiều người nhắc đến. Đường sắt đô thị là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia và thành phố tính toán.

Tại kỳ họp thứ 15 của HĐND TP Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 3/2024, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội.

Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (quy hoạch 1259), đồ án bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.

Đồ án quy hoạch xác định có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, hoàn thành sớm các tuyến kết nối nội đô với sân bay quốc tế Nội Bài và khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thành phố sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phối hợp Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Hà Nội sắp có tuyến đường sắt đô thị thứ hai

Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài gần 9km với 7 ga ngầm đang được Hà Nội lên kế hoạch đầu tư xây dựng.

Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 15/5 xem xét, thông qua 8 nội dung quan trọng.

Trong đó, Hà Nội có kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”.

Một đoạn của tuyến đã được lao lắp dầm trên đường Cầu Diễn. Ảnh IT
Một đoạn của tuyến đã được lao lắp dầm trên đường Cầu Diễn. Ảnh IT

Trước đó, năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nói trên.

Đây là dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU). Cơ quan chủ quản của dự án là UBND TP Hà Nội. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Mục tiêu dự án là tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội, chủ đầu tư hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai cho đến khi Quốc hội phê duyệt chủ trương.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai có tổng mức đầu tư hơn 343 tỉ đồng (khoảng 15 triệu USD, trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 12,6 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 2 triệu USD).

Về dự án đường sắt đô thị số 3, hiện Hà Nội đang triển khai và sắp vận hành đoạn Nhổn - ga Hà Nội; kinh phí đầu tư cho đoạn tuyến này là vốn vay ODA của Pháp.

Với đoạn đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai theo tờ trình của Hà Nội gửi Chính phủ, tuyến có chiều dài 8,786km, trong đó đoạn đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,086km.

Đoạn tuyến chủ yếu đi ngầm theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh thuộc địa phận các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

Kết cấu đoạn đi ngầm là ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác, Mai Động và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở).

Sau khi đoạn tuyến trên được xây dựng xong, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ kéo dài tới Hoàng Mai và ngược lại.

Ngoài ra, sau khi 2 đoạn tuyến này đi vào hoạt động động, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 còn có nhiệm vụ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác.

TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho rằng, đường sắt đô thị sẽ là phương tiện công cộng chủ yếu trong tương lai.

Theo ông Trường, cần tăng cường tính kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng nhằm hướng tới hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò xương sống.

Theo chuyên gia giao thông Phan Hoàng Phương, cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD kèm theo cơ chế, chính sách để triển khai mô hình này. Huy động đa dạng nguồn lực đầu tư cho đường sắt đô thị. Xây dựng cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cũng như xuyên suốt quá trình thực hiện dự án.

Hoa Thành
Phiên bản di động