Du lịch trải nghiệm - hướng đi sáng tạo của huyện Mê Linh

Triển khai thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội, huyện Mê Linh đã và đang có những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển du lịch trải nghiệm.
Huyện Mê Linh: Khai mạc Giải bóng đá tranh Cúp Hai Bà Trưng lần thứ II

Đổi thay trên quê hương Hai Bà Trưng

Những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của thành phố, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Một nội dung quan trọng là triển khai kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Đ/c Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm cùng đoàn thăm nhà vườn Ánh Huyền.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm thăm và động viên nhà vườn Ánh Huyền

Kết quả, những năm gần đây, bộ mặt của đất và người Mê Linh đã có những sự đổi thay, cách tân đáng ghi nhận.

Những người nông dân của huyện Mê Linh hiện nay không chỉ làm công việc nông nghiệp một cách đơn thuần, thay vào đó, họ đang đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, gắn với du lịch trải nghiệm.

Một ví dụ điển hình có thể nhắc tới là anh Trần Ngọc Ánh - chủ nhà vườn Ánh Huyền. Được biết, nhà vườn Ánh Huyền được phát triển trên diện tích khoảng 8.000m2 với khoảng 600 cây hồng ngoại và hồng cổ cỡ lớn, chủ yếu phục vụ trang trí cảnh quan nhà ở biệt thự, công trình, doanh nghiệp...

Mỗi năm nhà vườn cung cấp ra thị trường khoảng 200 cây với giá mỗi cây từ 5 - 10 triệu đồng, thậm chí cây hồng cổ tán lớn có giá lên đến vài chục triệu đồng.

Du lịch trải nghiệm - hướng đi sáng tạo của huyện Mê Linh
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Mê Linh ghi nhận, biểu dương những thành tích trong sản xuất, lao động và phát triển du lịch của anh Trần Ngọc Ánh

Ngoài các đầu mối thu mua truyền thống, anh Trần Ngọc Ánh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội như: Tiktok, Facebook, Zalo, Youtobe... để quảng bá, bán hàng. Nhờ đó, sản phẩm của nhà vườn tiếp cận được với người yêu hoa trên toàn quốc.

Mỗi năm nhà vườn có doanh thu 1 - 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi 500 - 700 triệu đồng; Tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Mê Linh còn được biết đến là thủ phủ hoa của Thủ đô, với gần 1.000ha trồng hoa truyền thống và ngoại nhập cung cấp khoảng 20% tổng lượng hoa mỗi năm cho thành phố.

Trong đó có hàng trăm nhà vườn chuyên trồng hoa hồng thế, bonsai đã khẳng định được vị thế và uy tín, như: Làng nghề trồng hoa hồng thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh); Làng nghề trồng hoa cúc thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh); Vùng trồng hoa - cây cảnh thôn Văn Quán (xã Văn Khê).

Với những cá nhân như anh Trần Ngọc Ánh, hay anh Nguyễn Hồng Hạnh (xã Chu Phan), anh Phạm Đức Tài (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh)... huyện Mê Linh càng lúc càng khẳng định được vị thế "thủ phủ các loài hoa" của Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động quảng bá, truyền thông tích cực đã góp phần "mời chào" hàng vạn du khách đến với quê hương Hai Bà Trưng.

Đây là tiền đề để Mê Linh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp - sinh thái.

Hiện nay, huyện Mê Linh đang rà soát lập quy hoạch, phát triển các trang trại, cánh đồng trồng rau củ, quả, nông sản tập trung, vùng trồng hoa, cây cảnh thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan.

Hướng đi mới, sáng tạo

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Huyện ủy Mê Linh, cho hay, Huyện ủy đã chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm đặc thù theo hướng bền vững là du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Về du lịch văn hóa tâm linh, bên cạnh Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng, trên địa bàn huyện Mê Linh còn có các điểm du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái khác hiện thu hút nhiều du khách như các đình, đền, thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng, chùa Trung Hậu, đồi 79 mùa Xuân, căn cứ cách mạng nhà in Đông Dương...

Trồng sen đang trở thành hướng đi mới đối với nông nghiệp của huyện Mê Linh
Du lịch trải nghiệm đang trở thành hướng đi mới đối với nông nghiệp của huyện Mê Linh

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm cho biết, các di tích của huyện Mê Linh có thể dễ dàng liên kết phát triển với các điểm du lịch trong vùng như Đền Gióng (huyện Sóc Sơn); Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh); Chùa Tây Thiên, Tam Đảo; Khu sinh thái Đại Lải tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều điểm di tích của các địa phương lân cận.

Để kết nối các điểm du lịch của huyện Mê Linh, ngày 29/8/2023, huyện đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn và hội nghị nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm du lịch huyện Mê Linh với các doanh nghiệp lữ hành.

Đường trục Khu đô thị mới Mê Linh đoạn xen kẹp qua Hà Nội
Diện mạo càng lúc càng sáng của huyện Mê Linh

Cùng với địa chỉ các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh; Mê Linh còn thừa hưởng nét văn hóa làng nghề, có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời, là một nét văn hóa đẹp đang được gìn giữ và phát huy như: Vùng trồng rau tập trung tại xã Tráng Việt; Làng nghề làm mỳ bún, kẹo lạc xã Tiến Thịnh; Làng nghề mây tre đan xã Tam Đồng.

Những lợi thế nói trên, kết hợp với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm theo Chương trình số 06/CTr-TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Mê Linh kỳ vọng sẽ sớm phát triển vượt bậc, xứng đáng với tiềm năng của quê hương Hai Bà Trưng anh hùng.

Vũ Cường
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động