Huyện Mê Linh đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất giáo dục

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã bố trí trên 2.000 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới các trường học và mua sắm trang thiết bị cho các trường. Đến nay, hệ thống các trường học trên địa bàn cơ bản được đầu tư đồng bộ, khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện Mê Linh ngày càng được nâng lên.
Đoàn công tác của HĐND thành phố Hà Nội giám sát tại huyện Mê Linh

Kết quả đáng kinh ngạc

Nói về ngành giáo dục Mê Linh, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho hay, năm học 2024 - 2025 toàn huyện có trên 67.000 học sinh với 79 trường công lập (trong đó có 23 trường mầm non, 29 trường tiểu học, 20 trường THCS, 6 trường THPT và 01 Trung tâm GDNN - GDTX).

Trong những năm gần đây UBND đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tháo gỡ khó khăn cho những nơi trường lớp chật hẹp, quy mô học sinh đông để bảo đảm tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, huyện ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nằm trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia, nơi có đông học sinh. Yêu cầu các xã, thị trấn quan tâm mở rộng diện tích đối với những trường nhỏ để bảo đảm theo quy định hiện hành. Tiếp tục xóa điểm lẻ, đưa học sinh về trường chính để các em có môi trường học tập rèn luyện tốt hơn.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn phát biểu giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn phát biểu giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục

Tính đến thời điểm tháng 10/2024 toàn huyện có tổng số 74 trường công lập, trong đó có cấp học mầm non 25 trường, cấp tiểu học 29 trường, cấp THCS 20 trường.

Năm 2023 huyện Mê Linh đạt 5 trường công nhận mới, công nhận lại 6 trường; Tỷ lệ đạt chuẩn đến năm 2023 có 54/74 trường, đạt tỷ lệ 72,9%; trong đó cấp học Mầm non 17/25 đạt tỷ lệ 68%, cấp Tiểu học 22/29 đạt tỷ lệ 75,8%, cấp THCS 15/20 đạt tỷ lệ 75%. Đáng chú ý, toàn huyện Mê Linh có 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục ngày càng khang trang
Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục ngày càng khang trang

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, huyện Mê Linh luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, huyện đã bố trí trên 2.000 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới các trường học và mua sắm trang thiết bị cho các trường. Đến nay, hệ thống các trường học trên địa bàn cơ bản được đầu tư đồng bộ, khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học. Nhờ đó chất lượng giáo dục của huyện Mê Linh ngày càng được nâng lên.

Tiếp tục nỗ lực vì sự nghiệp trồng người

Để năm học 2024 - 2025 đạt kết quả cao, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn đề nghị Phòng GD&ĐT huyện tập trung tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ năm học 2024-2025 theo chỉ đạo của UBND thành phố, hướng dẫn của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội và của huyện.

Trong đó, Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực GD&ĐT được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; đánh giá thực trạng, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND huyện biện pháp chỉ đạo tiếp theo đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về GD&ĐT.

Trẻ em huyện Mê Linh được hưởng môi trường giáo dục chất lượng
Trẻ em huyện Mê Linh được hưởng môi trường giáo dục chất lượng

Về cơ sở vật chất, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh giao Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan rà soát cơ sở vật chất các nhà trường, lộ trình công nhận chuẩn mới, công nhận lại chuẩn quốc gia của các trường để tham mưu, đề xuất UBND huyện có kế hoạch đầu tư hoàn thiện.

Trước mắt, ngành giáo dục huyện Mê Linh tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục huyện Mê Linh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo"; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là Kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng môn Tiếng anh cho giáo viên, học sinh.

Đồng thời, Phòng GD&ĐT phối hợp với phòng Y tế, Trung tâm Y tế tăng cường kiểm tra việc tổ chức bữa ăn bán trú; kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trường học, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thông báo công khai, rộng rãi trong toàn ngành và trên các phương tiện thông tin đại chúng của Huyện để các nhà trường, Nhân dân biết, cảnh giác.

Đặc biệt, trong thời đại 4.0, huyện Mê Linh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục nói chung, công tác dạy và học, công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường nói riêng.

Vũ Cường
Phiên bản di động