“Đợt sóng” cải cách toàn diện gỡ rào cản kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có tình trạng cắt quy định này lại 'mọc' ra điều kiện kinh doanh khác Doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng cao |
Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/5/2020.
Tại buổi họp báo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá rất cao về tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ nhiệm kỳ này.
Theo ông Lộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh "thể chế, thể chế và thể chế", và ngay trong nhiệm kỳ này Chính phủ có 3 đợt sóng cải cách tạo được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia.
Ông Lộc cho biết, năm 2016, đợt sóng cải cách đầu tiên là xóa bỏ hàng nghìn giấy phép con theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 với yêu cầu điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong Luật và Nghị định.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
''Chính phủ đã thành công trong việc khai tử hàng nghìn giấy phép con trong các thông tư, cắt giảm các điều kiện kinh doanh'', ông Lộc đánh giá.
Theo Chủ tịch VCCI, đợt sóng thứ hai là việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần rất quyết liệt.
Đặc biệt là đợt sóng thứ ba với Nghị quyết 68/NQ-CP đặt mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới. Nghị quyết này cũng gắn với một chương trình rất lớn là rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong các quy định về kinh doanh.
''Một nhiệm kỳ với ba đợt sóng, Chính phủ đã thành công với việc thúc đẩy cải cách thể chế, với cách thức thực hiện bài bản hơn. Đây cũng là nhiệm kỳ Chính phủ đầu tiên đặt mục tiêu phát triển một triệu doanh nghiệp và chương trình nghị sự cải thiện môi trường kinh doanh'', ông Lộc nhận định.
"Người dân, doanh nghiệp rất hy vọng, Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh, rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc nói thêm.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48%, tức giảm 10% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay thời gian mà còn là vấn đề niềm tin.
Nói về điểm mới của đợt sóng thứ ba, ông Lộc cho biết, Nghị quyết 68/NQ-CP không chỉ đề cập đến điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính mà toàn bộ các quy định về kinh doanh, bởi trong thực tế, một bản phụ lục hay một biểu mẫu trong thông tư cũng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP là giảm bớt tối đa các văn bản, hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nghị quyết 68/NQ-CP rà soát không chỉ các văn bản đã có hiệu lực mà còn sửa đổi cả các văn bản đang trong quá trình soạn thảo để bảo đảm khả năng thực thi, thúc đẩy thực hiện chính sách cải cách trong thực tế.