Đồng bào dân tộc đón làn sóng chuyển đổi số
Trải nghiệm chuyển đổi số trong thưởng thức di sản phở Hà Nội |
Chuyển đổi số kéo gần khoảng cách
Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 50km, khép mình dưới chân núi Ba Vì hùng vĩ, xã Tản Lĩnh nổi tiếng là vùng non nước hữu tình, cảnh quan thiên nhiên đa dạng với nhiều khu du lịch nổi tiếng.
Người dân tại xã này chủ yếu là đồng bào dân tộc Kinh, Mường và số ít dân tộc khác. Trải qua quá trình định cư lâu dài gắn bó với cộng đồng, các thế hệ người dân ở Tản Lĩnh đã và đang từng bước xây dựng cuộc sống mới nơi miền sơn cước - vừa bình yên, hạnh phúc, vừa phát triển xanh, sạch, đẹp và hiện đại.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong khai trương phòng máy tính và trò chuyện với cán bộ, học sinh nhà trường THCS Tản Lĩnh |
Trong nỗ lực phát triển giáo dục của huyện Ba Vì, năm 2020, huyện này đầu tư xây dựng Trường THCS Tản Lĩnh, hoàn thành vào năm 2021. Đây là cơ sở đào tạo dành cho 1126 học sinh tại xã Tản Lĩnh và lân cận. Năm học vừa qua, trường đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
"Nhờ công nghệ thông tin, học sinh huyện Ba Vì có thể xa cách về mặt địa lý, nhưng chắc chắn không thua kém về mặt trình độ", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh |
Thầy giáo Nguyễn Thành Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, huyện Ba Vì, trong năm học mới, nhà trường phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, đó là kiểm định giáo dục cấp độ 3 và trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Để thực hiện mục tiêu đó, huyện Ba Vì đã vận động xã hội hoá từ Công ty du lịch Phương Trang (Phú Hà, Sơn Tây) số tiền 280 triệu đồng để lắp đặt 25 dàn máy tính đạt chuẩn.
Trong lễ khai giảng năm học vừa qua, thầy và trò trường Trường THCS Tản Lĩnh vinh dự đón đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Khai trương phòng máy tính và trò chuyện với cán bộ, học sinh nhà trường, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhắn nhủ, công nghệ thông tin đã và đang là phương tiện để xoá nhoà khoảng cách về địa lý, giúp cho các học sinh ở khu vực xa trung tâm được tiếp cận với kiến thức, công nghệ tiên tiến nhất.
"Nhờ công nghệ thông tin, học sinh huyện Ba Vì có thể xa cách về mặt địa lý, nhưng chắc chắn không thua kém về mặt trình độ", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả kinh tế số
Từ ý kiến chỉ đạo nêu trên, mở rộng vấn đề, công tác chuyển đổi số trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì đã và đang đạt được những kết quả đáng kích lệ. Việc chuyển đổi số giúp người dân được tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao chất lượng sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đưa công nghệ thông tin đến với trẻ em dân tộc thiểu số |
Theo ghi nhận của phóng viên, những năm qua, nhiều mô hình thôn, xã thông minh trên địa bàn huyện Ba Vì - đã bước đầu đem lại hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa. Từ đó, góp phần đưa các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển bền vững.
Nhờ có các mô hình thôn, xã thông minh, người dân ngày càng được tiếp cận với những tiện ích về công nghệ, chuyển đổi số, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ví dụ rất đáng chú ý là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, kinh tế số tại các khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện tham gia mua sắm trực tuyến, tham gia các hoạt động thương mại điện tử càng lúc càng cao.
Đồng bào dân tộc được tạo điều kiện phát triển kinh tế số thông qua chương trình OCOP |
Chị Nguyễn Thị Thiết, chủ hộ kinh doanh chè xanh Tri Kỷ ở xã Yên Bài chia sẻ, việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội mới. Bên cạnh đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, huyện tập trung xúc tiến thương mại và chuyển đổi số; tổ chức hội chợ, phiên chợ nông sản, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Hoạt động livestream bán hàng qua TikTok và mạng xã hội cũng được triển khai, giúp nông sản Ba Vì tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Hoạt động livestream bán hàng qua TikTok và mạng xã hội cũng được triển khai, giúp nông sản Ba Vì tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn |
Không những thế, huyện Ba Vì còn mời chuyên gia hỗ trợ các chủ thể OCOP cải thiện bao bì, mẫu mã, tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, hướng dẫn kỹ năng livestream. Sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và hiện đại đã tạo cơ hội lớn cho sản phẩm OCOP của huyện, giúp tăng sản lượng tiêu thụ...
Cũng theo ông Nguyễn Giáp Đông, Ba Vì không chỉ dừng lại ở việc tăng lượng sản phẩm OCOP, mà còn tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên nền tảng số để thu hút khách hàng từ mọi miền Tổ quốc.
Người Dao xã Ba Vì |
Để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, huyện Ba Vì đã thành lập Câu lạc bộ OCOP đầu tiên với 34 thành viên, gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Con Bò Vàng Ba Vì, Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP Ba Vì Đào Công Trường cho biết, câu lạc bộ không chỉ là nơi kết nối thành viên, mà còn hỗ trợ giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Câu lạc bộ đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất với nhà phân phối lớn để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Đặc biệt, hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo, tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm sẽ được triển khai nhiều hơn...
Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp chia sẻ rằng, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2023 đạt 60 triệu đồng/người/năm, đến năm 2024 ước đạt 67 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo khu vực 7 xã miền núi năm 2023 giảm còn 0,44% (với 80 hộ nghèo), phấn đấu hết năm 2024 không còn hộ nghèo. 7/7 xã miền núi của huyện đã đạt nông thôn mới năm 2021 và tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
“Huyện Ba Vì đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, trong thành công ấy có đóng góp rất lớn của đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Giáp phấn khởi cho biết..
Đến gần với chính quyền thông qua iHanoi
Những ngày cuối năm 2024, tỉnh lộ 446 từ cầu Vai Réo qua xã Đông Xuân (Quốc Oai, Hà Nội) rực rỡ sắc màu của cờ Đảng, cờ Tổ Quốc như hân hoan đón chào mùa xuân đến. Với dân số chỉ vỏn vẹn hơn 5.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, xã Đông Xuân vốn thuộc về huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Mãi đến năm 2008, vùng đất này mới sáp nhập thành một phần của thành phố Hà Nội và những người dân nơi đây trở thành công dân Thủ Đô.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm vận động người dân cài đặt ứng dụng iHanoi |
Trở thành một phần của Hà Nội đã và đang mang lại những khởi sắc to lớn cho người dân. Hệ thống cơ sở vật chất được thành phố đầu tư đồng bộ, kéo theo các giá trị văn hóa, đời sống mỗi lúc một nâng cao. Trong đó, công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ cũng góp phần không nhỏ vào sự thay da đổi thịt của vùng đất này.
Ghi nhận của phóng viên vào đầu tháng 12/2024, cả hệ thống chính trị của xã Đông Xuân đang quyết liệt vào cuộc để tuyên truyền, hỗ trợ bà con đồng bà dân tộc thiểu số cài đặt ứng dụng iHanoi. Chính quyền phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác đến 7 thôn với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm giới thiệu tới các bà, các mế về những tiện ích của iHanoi.
“Các cụ cảm thấy iHanoi đã mang người dân đến gần với chính quyền hơn”, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm hồ hởi nói. |
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm chia sẻ, trước khi được tuyên truyền về lợi ích của iHanoi, các cụ cao niên đều tỏ ý e ngại, không muốn cài đặt ứng dụng. Các cụ cao niên đều đã quen với nề nếp cũ khi tiếp xúc, làm việc với chính quyền. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe sự giải thích của chính quyền, các cụ đều hoan hỉ cài đặt ứng dụng này. “Các cụ cảm thấy iHanoi đã mang người dân đến gần với chính quyền hơn”, ông Bùi Văn Sâm hồ hởi nói.
Khởi sắc trong cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số tại Thủ đô |
Thực tế, theo báo cáo của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, đối với công tác thông tin truyền thông, những năm qua, thành phố đã ban hành các kế hoạch phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông, chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đơn vị liên quan và các huyện có xã vùng dân tộc thiểu số tổ chức bồi dưỡng cán bộ và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở.
Trong 5 năm (2019-2024), Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã thực hiện 100 bài phát thanh (đĩa CD, file MP3, bài viết...) tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở. Ban hành 50 văn bản về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để tuyên truyền trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở. Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có hạ tầng viễn thông băng rộng cố định, di động, các trạm thu phát sóng thông tin di động đảm bảo cho người dân truy cập dịch vụ internet và sử dụng các dịch vụ thông tin thuận lợi; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính.
Có thể thấy rằng, chuyển đổi số giống như làn gió mới mẻ, đang ngày càng lan tỏa tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số quần cư trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, làn gió mát lành này thổi đi những rêu phong cũ kỹ thiếu phù hợp, thay vào đó là sức sống mạnh mẽ, rạng rỡ hơn cho hơn 100.000 đồng bào thiểu số của Thủ đô.