Đón Tết online: Xa mặt nhưng không cách lòng
Chợ Tết online và phong vị Tết hội nhập |
Trong gian khó càng quyết tâm và đổi mới
Năm 2021 được xem là một năm thách thức đổi mới trong tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành Giáo dục khi tất cả mọi hoạt động đều phải thực hiện trên nền tảng trực tuyến. Có thể nói, chưa năm học nào trong lịch sử mà học sinh phải vừa học tập, vừa rèn luyện và thi theo hình thức online. Vất vả là thế nhưng dường như càng khó khăn, gian nan thì tinh thần quyết tâm và sự sáng tạo, đổi mới của thầy cô và học trò càng được nâng cao.
Học sinh được trải nghiệm gói bánh chưng ở trường (Ảnh minh họa) |
Nhớ lại thời điểm này năm ngoái, không khí lớp học luôn sôi nổi bởi các kế hoạch cho ngày Hội xuân toàn trường, ai cũng háo hức và mong chờ sự kiện duy nhất trong năm. Chia sẻ cùng phóng viên, cô Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) không khỏi bồi hồi: “Ngày hội xuân là chương trình quy mô và tưng bừng nhất trong năm của nhà trường.
Chúng tôi vừa kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian, vừa phát động thực hiện những gian hàng ẩm thực xuân ở mỗi lớp và biểu diễn văn nghệ… học sinh rất vui và hào hứng. Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, mọi kế hoạch phải hủy bỏ”.
Học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình) vui đón Tết (Ảnh minh hoạ) |
Với phương châm thích ứng linh hoạt và sáng tạo trong bối cảnh dịch COVID-19, rất nhiều hoạt động trực tuyến mà gần nhất là Tết Nguyên đán online được các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức đã nhận được sự đồng tình và đón nhận của các bậc phụ huynh.
Nhiều trường cho rằng, tổ chức trực tiếp đã rất vất vả, hoạt động trên nền tảng online còn khó khăn hơn. Làm sao giúp cảm nhận được ý nghĩa của một cái Tết cổ truyền ấm áp và để các hoạt động không chỉ mang lại tinh thần thoải mái, phấn chấn cho học sinh mà còn gửi gắm các bài học ý nghĩa trong cuộc sống? Đó là điều mà các trường đang trăn trở.
Học sinh được trải nghiệm nhiều hình thức đón Tết trực tuyến
Trước Tết Nguyên đán một tháng, các thầy cô tại trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) đã phát động nhiều hoạt động kỷ niệm, mang đến cho học sinh sân chơi hấp dẫn với nhiều bài học, kiến thức về ngày Tết truyền thống của dân tộc.
Các hoạt động không chỉ đơn giản, dễ thực hiện mà còn phù hợp với khả năng của mỗi học sinh như: Làm video giới thiệu về ngày Tết xưa và nay; Thiệp và lì xì handmade; Chụp ảnh về các hoạt động chuẩn bị đón Tết; Tổ chức gameshow chủ đề chào xuân Nhâm Dần; Cuộc thi ảnh đón Tết...
Học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình) vui xuân đón Tết (Ảnh minh họa) |
Riêng trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội), do đặc thù gồm những lớp nhỏ nên hoạt động Tết Nguyên đán Online được tổ chức linh hoạt và dễ dàng hơn. Ý tưởng các hoạt động của khối lớp 1 sẽ thêm phần “Tết trồng cây”, mỗi học sinh sẽ cùng cha mẹ chăm sóc một chậu cây cảnh và hoa nhỏ, sau đó chụp ảnh và đăng tải lên nhóm lớp học.
Với khối 2, ngoài việc phát động học sinh thi ảnh đón Tết Nguyên đán, giáo viên còn tổ chức chương trình tất niên online, cho học sinh trải nghiệm, chia sẻ, tìm hiểu phong tục, món ăn đặc trưng của ngày Tết cổ truyền. Các cô giáo cũng giới thiệu video về Tết cổ truyền xưa và nay…
Học trò được hái lộc đầu xuân tại lớp học (Ảnh minh họa) |
Ở ngoại thành Hà Nội, không khí Tết truyền thống chưa bao giờ hết náo nức dù là trên nền tảng online. Dự kiến Tết Nguyên đán năm nay của trường Tiểu học Dị Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) sẽ được tổ chức trực tuyến. Các cô chủ nhiệm tự làm hình ảnh, clip, trò chơi, câu hỏi giao lưu tìm hiểu về ngày Tết để tổ chức cho học sinh. “Dù dịch bệnh, các con phải đón Tết cùng bạn bè, thầy cô trực tuyến nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để hoạt động này thật ý nghĩa và ấm áp”, cô Nguyễn Thị Thanh Loan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dị Nậu cho biết.
Ngoài các hoạt động trải nghiệm Tết, học sinh còn có nhiều tiết mục ca nhạc vui nhộn dịp Tết (Ảnh minh họa) |
Có rất nhiều trường đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ngày Tết truyền thống thông qua nền tảng Quizzi hay Kahoot với giao diện mới mẻ, độc đáo và bắt mắt đã khiến các bạn học sinh cảm thấy vô cùng phấn khích và tò mò khi tham gia. Mặc dù diễn ra theo hình thức online nhưng các hoạt động đều được nghiên cứu và khảo sát kỹ càng, không dàn trải hay mất thời gian, đồng thời khơi gợi sự thích thú và chủ động của các học sinh.