Chợ Tết online và phong vị Tết hội nhập
Xuân thắm đào mai lại điểm thêm sắc màu rực rỡ của tulip, đào đông, mai Mỹ. Mâm ngũ quả thêm sắc đỏ của táo Mỹ, táo Nhật. Cỗ Tết trĩu trịt đặc sản Bắc - Trung - Nam, điểm xuyết món ngon đến từ khắp năm châu bốn biển.
Loài hoa đến từ xứ lạ được người Việt ưa chuộng trong dịp Tết vài năm trở lại đây |
Rót ly rượu mơ Nhật, mời khách nhâm nhi món thịt gác bếp Tây Bắc, lão nông ở tuổi thất thập cổ lai hi khoe Tết nhà lão năm nay no đủ lắm. Toàn của ngon vật lạ trên rừng dưới biển con lão sắm. Đồ Việt vẫn đủ đầy bánh chưng, nem cuốn, canh măng, gà luộc… bày cỗ cúng tổ tiên. Tiếp khách có thêm chả mực Hạ Long, giò bê Nghệ An, thịt gác bếp Tây Bắc, lạp xưởng tôm miền Nam… Đồ Tây thì có thêm bò Úc làm bít tết, lườn ngỗng Nga hun khói, đùi lợn Tây Ban Nha muối. Tráng miệng đã có cam canh, bưởi diễn, nho Mỹ… tha hồ đổi món đãi khách, không thiếu thứ gì.
Bàn thờ ngày Tết có đủ sản vật từ truyền thống đến hiện đại |
Lão còn khoe: Chúng nó bây giờ tài lắm, ngồi một chỗ bấm bấm điện thoại, đồ Tết người ta mang đến tận nhà.
Mâm cỗ Tết của người Việt phương xa như châu Âu, châu Á, châu Úc hay ở cả châu Phi cũng đủ cả bánh chưng và những phong vị quê nhà trong kí ức nhờ chợ xuyên biên giới.
Bà nội trợ mê mẩn trào lưu “du xuân, du xuân í a…”, muốn né xa xa nhà bếp để dầu mỡ không ám đầy váy áo và từ đầu đến chân thơm phức như một đóa hồng thì mừng húm khi cảm ơn dịch vụ cung cấp, vận chuyển đồ Tết đến tận cái tủ lạnh ở trong nhà.
Nàng dâu trên đường từ thiện ở phương xa trong khi Tết còn cách có dăm ba ngày nữa vẫn kịp đặt đồ Tết từ A tới Z để khỏi mất tiếng vợ hiền dâu thảo.
Việc sắm Tết chưa bao giờ dễ dàng hơn thế nhờ sức mạnh của thương mại điện tử. Đồ họa: Phạm Mạnh |
Sau những cái Tết đói nghèo, những cảnh xếp hàng tranh từng món đồ cho Tết, chưa bao giờ việc sắm Tết lại dễ dàng đến thế. Chợ mạng bùng nổ khiến mâm cơm ngày Tết trở thành sự giao thoa ẩm thực các vùng miền. Người con gái làm dâu xứ khác hân hoan đem đặc sản quê mình lên mâm cơm nhà chồng và mừng rỡ giới thiệu cho nhà đẻ những món lạ phương xa. Những cái Tết miền viễn xứ cũng ấm áp và dịu dàng hơn khi có sản vật quê nhà hiện diện trên mâm cỗ cúng.
Dễ dàng mua sắm Tết chỉ trong tích tắc với cái điện thoại trên vô số chợ điện tử, vô số các gian hàng và dịch vụ chu đáo đến tận răng nhưng không vì thế mà người Việt quên đi chợ truyền thống.
Trong tiềm thức của người Việt có một sự phân định khá rõ giữa việc mua gì ở chợ ảo, siêu thị và mua gì ở chợ dân sinh. Bà nội trợ chọn mua đồ ăn, bánh kẹo, đồ biếu Tết, rượu và một số đặc sản vùng miền của người quen, shop uy tín trên mạng nhưng hoa đào, hoa mai, đồ cúng thì nhất định phải đến tận nơi, xem tận mắt, cẩn thận chọn từng ly từng tí một.
Đi chợ truyền thống ngày Tết còn là nỗi niềm ao ước của đàn ông, phụ nữ, người già và cả trẻ con. Bởi không khí Tết ở chợ vô cùng đặc biệt. Nó là cái hồ hởi chào mời của người bán hàng, sự rực rỡ của hàng Tết, sự lộng lẫy của hoa đào, hoa mai, quất bạt ngàn… và những thứ cảm xúc khó diễn tả thành lời, những thứ mà chợ mạng không thể thay thế được. Dường như trong cảm nhận của mọi người, có một phần linh hồn của Tết Việt được chuyên chở bởi các khu chợ truyền thống.
Giữ vị Tết cổ truyền bằng nồi bánh chưng ngày 29 Tết và nhấm nháp các sản vật Tết hiện đại |
Có rất nhiều người cứ năm hết Tết đến lại chê Tết năm nay nhạt và nuối tiếc những cái Tết xưa. Nhưng Tết xưa chắc cũng nhạt nhẽo thôi nếu lòng người không vui Tết, không hồ hởi, tận hưởng Tết đến từng phút từng giây.
Thêm cái chợ ảo, thêm cái smartphone… cũng chẳng thể làm Tết nhạt đi. Nó chỉ là thêm những phong vị Tết mới của thời hội nhập. Những ngày Tết rồi sẽ hết, chỉ có những kí ức về Tết là còn mãi. Gói gọn được thời gian sắm Tết lích kích, dành thời gian thảnh thơi cho mình, để quan tâm đến nhau hơn, để nói những điều tốt đẹp, để suy nghĩ và thêm yêu cuộc sống này… thì Tết vẫn sẽ mãi “mặn mà”.