Đối thoại tìm giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn trong hoạt động quảng cáo tại Hà Nội
Đến dự có các đồng chí: Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lê Thị Hà - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam; Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; cùng đại diện các sở, ban, ngành thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp quảng cáo, đại diện quận Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm, huyện Quốc Oai.
Lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển CNVH của Chính phủ đã ban hành. Ngày 22/2/2022, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045”. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để ngành quảng cáo tiếp tục khẳng định vị thế trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (GDP), góp phần tạo cảnh quan đô thị của Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Hội nghị |
Hiện nay trên địa bàn thành phố, có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động quảng cáo. Về hoạt động quảng cáo trên màn hình Led có gần 50 màn hình; Hoạt động quảng cáo bằng bảng hiflex có gần 275; Có 3190 giá treo banner quảng cáo.
Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo… về thủ tục hành chính đã được triển khai công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính (dịch vụ công - mức độ 3, mức độ 4). Theo đó, 100% hồ sơ đều được triển khai đúng hẹn (không có hồ sơ chậm muộn); tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong việc hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn những hạn chế, vi phạm.
Trong những năm qua, thành phố đã triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền nhiệm vụ chính trị kết hợp với hoạt động quảng cáo thương mại, tuy nhiên hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố vẫn chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô.
Ý thức sâu sắc về vị trí, tiềm năng, những đóng góp của hoạt động quảng cáo trong sự phát triển của thành phố Hà Nội, theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị ngày 15/5/2022 về “Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” với định hướng xây dựng Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Với quyết tâm thực hiện hiệu quả chương trình số 06 của Thành uỷ, Nghị quyết 09 của Thành uỷ - lĩnh vực quảng cáo cùng với 11 lĩnh vực trong chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa của Thủ đô đóng góp 10% GRDP cho thành phố.
Điều này góp phần vào sự phát triển chung của thành phố, tạo diện mạo đô thị văn minh - sáng - xanh; Định vị thương hiệu của một thành phố sáng tạo - Thủ đô sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Đồng chí Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại Hội nghị |
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, xu hướng chung của hoạt động quảng cáo sẽ chuyển dịch sang các phương tiện quảng cáo khác hiện đại hơn chứ không chỉ là các quảng cáo ngoài trời như hiện nay. Cho nên muốn thay đổi, đổi mới, tiếp cận với các loại hình quảng cáo tiên tiến, hiện đại, có hiệu ứng nhiều hơn thì ai cũng muốn làm, nhưng đầu tư cho điều đó thì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điệu kiện về kinh tế.
Đặc biệt, sau 2 năm dịch bệnh, các doanh nghiệp quảng cáo lại gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Vì vậy, các sở nói chung cần tập hợp những kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp để điều chỉnh cũng như gửi lên Bộ để có phương hướng giải quyết kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, thông qua buổi gặp mặt, đối thoại Sở mong muốn chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quảng cáo; Xác định rõ những nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời; Tăng cường công tác phối hợp, tạo hành lang pháp lý tốt nhất, cùng những điều kiện nhằm thúc đẩy hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với phát triển công nghiệp văn hóa.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp quảng cáo đóng góp ý kiến tại Hội nghị |
Với chủ đề “Quảng cáo với phát triển công nghiệp văn hoá”, các đại biểu đã lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo, của các doanh nghiệp, từ hoạt động thực tiễn và kinh nghiệm của các nước. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các mô hình hoạt động quảng cáo để định vị được thương hiệu và sự đóng góp của quảng cáo Thủ đô trong tăng trưởng GRDP của thành phố và góp phần tạo cảnh quan đô thị văn minh hiện đại - thành phố thiết kế sáng tạo; Tham gia đóng góp ý kiến về thực hiện các thủ tục hành chính, việc đề xuất, hiến kế để phát huy hiệu quả của hoạt động quảng cáo.
Đối với các Sở, ngành thành phố và quận, huyện, tập trung vào việc đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn trong hoạt động quảng cáo về công tác phối hợp, công tác kiểm tra; Phân cấp quản lý; Thống nhất một đầu mối trong việc cấp phép quản lý hoạt động quảng cáo; Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động sức mạnh các cấp, các ngành vào cuộc thực hiện hiệu quả Luật Quảng cáo và các văn bản thi hành Luật; Cải tiến rút gọn các quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.