Đối thoại giữa Bộ Giáo dục và GS Hồ Ngọc Đại: Chưa tìm được tiếng nói chung

Trong 2 giờ đồng hồ sáng 3/1, tại trụ sở Bộ GD-ĐT đã diễn ra buổi đối thoại giữa nhóm tác giả bộ sách Công nghệ Giáo dục và Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì.
Bộ GD&ĐT đối thoại về sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại 10 sự kiện giáo dục đáng chú ý nhất năm 2019 Thủ tướng yêu cầu rà soát, thẩm định lại sách giáo khoa mới Kiến nghị việc “loại” sách của GS Hồ Ngọc Đại lên Thủ tướng

Trong 2 giờ đồng hồ sáng 3/1, tại trụ sở Bộ GD-ĐT đã diễn ra buổi đối thoại giữa nhóm tác giả bộ sách Công nghệ Giáo dục (CGD) và Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì. Tham gia buổi đối thoại còn có Chủ tịch các hội đồng thẩm định bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1, đại diện các cơ quan chức năng và báo chí. Buổi đối thoại thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
Trước khi làm công tác quản lý giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ từng là thầy giáo dạy toán. Trước khi sang Nga du học và trở về làm giáo dục tiểu học, GS Hồ Ngọc Đại từng là thầy giáo dạy toán.

"Làm sách giáo khoa hiện nay như dịch vụ đóng bàn"

Mở đầu buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhắc lại ngắn gọn về tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Đó là việc chuyển dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, và lần đầu tiên thực hiện chủ trương có nhiều bộ SGK. Tiếp theo, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - đã trình bày vắn tắt quy trình thẩm định theo chương trình mới. Ông nói trong 11 cuốn Không đạt, có những cuốn tác giả mong muốn chỉnh sửa để thẩm định lại, có những cuốn tác giả muốn bảo lưu ý kiến của mình.

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Kim Hiền

Ông Tài giải thích thêm: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tổ chức đối thoại về "Chương trình thực nghiệm", Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng thẩm định chương trình này theo 2 vòng. Cả 2 vòng đều đánh giá chương trình thực nghiệm phù hợp với chương trình hiện hành (chương trình 2000) và cho phép thực hiện 1 năm trước khi triển khai chương trình giáo phổ thông mới (chương trình năm 2018).

"Việc đánh giá chương trình thực nghiệm đã làm từ năm 2017 và đã có kết luận".

Đến phần đối thoại, PGS Nguyễn Kế Hào hỏi: “Cuộc họp hôm nay trình bày triển khai công việc Thủ tướng giao cho Bộ trưởng, Thứ trưởng ở đây có đủ thẩm quyền để quyết định những việc Thủ tướng giao hay không thì mới làm việc tiếp. Tôi biết có những văn bản Thứ trưởng ký nhưng hôm sau Bộ trưởng vẫn thu hồi được”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trả lời: “Tôi đủ thẩm quyền vị Bộ trưởng đã ủy quyền, tôi có thể giải quyết được”.

Sau đó, ông nêu 2 câu hỏi cho Thứ trưởng Độ: Thực nghiệm các sách trong thực tiễn thế nào và đặt vấn đề liệu có cách thẩm định khác cho bộ sách CGD được không.

Ông dẫn thực tế hiện nay có 48 tỉnh thành đang sử dụng SGK Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục với trên 900.000 học sinh và ở đâu cũng hiệu quả.

Ông Hào cho biết, thời mình còn làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã linh hoạt triển khai 4 chương trình 4 bộ sách nhưng vẫn đạt được chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Với những hiệu quả đem lại ấy, việc bộ sách CGD bị đánh giá Không đạt khiến ông và rất nhiều người khác cảm thấy bức xúc.

"Vấn đề là ở chỗ Bộ trưởng vẫn dựa vào hội đồng cũ; trong khi cần có hướng dẫn để các hội đồng đổi mới tư duy, vận dụng tiêu chí linh hoạt hơn để đảm bảo bản sắc riêng của mỗi bộ sách, đảm bảo mục tiêu và chuẩn đầu ra của mỗi cấp học. Tôi đã đi khắp cả nước, vùng sâu vùng xa và thấy được hiệu quả của nó. Cho nên, như lời dạy của Bác, việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm cho được”.

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
PGS Nguyễn Kế Hào, người từng từ chức Vụ trưởng Vụ Giaó dục Tiểu học khi Bộ GD-ĐT triển khai chương trình giáo dục 2000 và thay sách giáo khoa. Ảnh: Kim Hiền

Đến lượt mình, GS Hồ Ngọc Đại - với cách nói mạnh mẽ quen thuộc - khẳng định ông đến buổi đối thoại để xác nhận sách CGD được sử dụng trong năm học mới.

"Tôi không oán giận gì hội đồng thẩm định vì đó là công việc của họ được giao như thế". Ông khẳng định đó là công trình khoa học mình đã theo đuổi cả cuộc đời.

"Tôi làm và đính chính trong 40 năm, tôi đã sửa chữa hàng năm, đến mức độ nào đó là xong. Còn việc làm SGK hiện nay như đóng cái bàn. Đó là dịch vụ chứ không phải công trình khoa học. Đó là chuyện đặt cọc, đặt tiền, đặt thời hạn, tiêu chuẩn, đặt gỗ rồi cứ thế nghiệm thu. Việc đó hoàn toàn đúng. Nhưng tôi không làm cái bàn như mọi người nghĩ, mà vật liệu và hình thức của tôi khác".

"Anh Đại chỉ nên viết sách tham khảo"

Có mặt tại buổi đối thoại còn có chủ tịch hội đồng thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 1 của Bộ GD-ĐT.

GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng môn Toán khẳng định không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả các chủ biên hoàn toàn tán thành, nhưng đó đều là ý kiến xác đáng, có ích cho từng bộ sách. Hội đồng thẩm định rất linh hoạt, rộng rãi khi vận dụng các tiêu chí.

"Hội đồng làm việc nghiêm túc, cũng không đến nỗi cũ kĩ về tư duy. Thứ hai, chúng tôi làm việc khách quan, công tâm, không có một sức ép nào. Chúng tôi đều là những người có trình độ. Hội đồng thẩm định môn Toán có 6 GS, còn lại là TS và 4 cô giáo. Bản thân một hội đồng như thế, việc phân định chất lượng, Bộ hoàn toàn có thể yên tâm".

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
GS Trần Kiều: "Tư duy của chúng tôi cũng không đến nỗi cũ kỹ. Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể yên tâm vào hội đồng". Ảnh: Kim Hiền

Ông giải thích thêm: Bao giờ có chương trình mới cũng sẽ có những SGK mới tương ứng. Có những cuốn SGK hiện nay vẫn rất hay nhưng khi chuyển sang chương trình mới vẫn phải mất hiệu lực. Không thể lấy việc có nhiều học sinh đang học thì cho được tiếp tục. Cần chấp nhận sự mất hiệu lực khi một chương trình đã thay đổi."

Tôi không lạ gì những quyển sách viết như quyển sách của thầy Đại bây giờ. Hồi cuối những năm 70 của thế kỷ trước, tờ báo Le Monde của Pháp đã có "tít khủng" về những cuốn sách theo cách tiếp cận như vậy: "Thảm họa trường học Pháp và châu Âu!".Tôi có một lời - không dám là khuyên vì anh Đại nhiều tuổi - là: Anh nên xem lại, không phải là xu thế nữa rồi! Tôi khuyên anh Đại chỉ nên viết sách tham khảo".

GS Kiều nhắc nhở Bộ nên giữ vững nguyên tắc, nếu không rất khó cho Bộ. Tìm những tiêu chí nào ưu tiên thì cũng phải tìm cho xứng đáng.

Nhà "thẩm sách" kỳ cựu từng trải qua nhiều phen đổi mới của Viện Khoa học Giáo dục VN kết luận:

"Trong số các tác giả viết sách toán, tôi nể anh Đại là nhà Tâm lý học nhưng viết tới 6 cuốn sách Toán, những người còn lại đều là nhà toán học. Nhưng tôi phải nói ngay có những cái mà anh nghĩ ra chứ không phải toán học nó như vậy".

"Lâu lắm mới được nói chuyện thẳng thắn với anh Đại thế này!", GS Kiều rành mạch khi kết thúc phần phát biểu của mình.

GS Hồ Ngọc Đại phản hồi: "Ở đây là là sự khác biệt về tư duy, một tư duy bằng khái niệm và một tư duy bằng kinh nghiệm. Tư duy của anh Kiều là tư duy kinh nghiệm của một người lão luyện từng nhiều năm đi luyện thi, bám chặt vào chương trình hiện hành, tư duy mà ngàn năm nay vẫn tồn tại. Còn tôi thì khác".

"GS Đại...sai bét"

Phần đối thoại của GS Trần Đình Sử, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn tiếng Việt, là kịch tính hơn cả.

GS Sử, từng là Trưởng ban soạn thảo Chương trình phổ thông năm 2000, khẳng định ông và nhiều GS khác luôn có tư tưởng đổi mới. Ông nói, tùy từng bộ sách, tùy từng cá tính của chủ biên và những sáng tạo riêng, hội đồng đều tôn trọng chứ không phải san bằng để biến thành đồng phục mà làm nổi bật tính đa dạng.

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
GS Trần Đình Sử: "Anh Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học chứ không phải là nhà nghiên cứu về Văn học. Do đó anh không hiểu môn Văn và môn Tiếng Việt". Ảnh: Kim Hiền

Theo GS Sử thì GS Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học chứ không phải là nhà nghiên cứu về Văn học. Do đó, ông không hiểu môn Văn và môn Tiếng Việt. Môn Tiếng Việt không phải là một môn khoa học. Nó là một môn Ngữ văn trong nhà trường. Mục tiêu của nó là dạy cho các em không những đọc được chữ mà còn phải đọc hiểu cả một bài văn, làm được các bài văn bằng tiếng Việt.

“Ý nghĩa về Tiếng Việt 1 của anh dạy ngữ âm, dạy từ,… là sai bét. Không một nhà khoa học nào chấp nhận được cách dạy như thế. Anh không hiểu gì về tiếng Việt”.

“Tư duy của anh Đại là tư duy tự do. Tự do của anh là tự do trong trường Thực nghiệm, anh là vua ở đó.

Nhưng SGK đưa ra ngoài xã hội thì là sản phẩm của xã hội, phải được thẩm định bằng những cơ quan của xã hội. Việc anh không viết sách theo chương trình mới 2018, chúng tôi nhận ra ngay. Anh tuyên bố: “Đã làm 40 năm rồi nên không sửa”, nhưng đến thời điểm này không phù hợp nữa và không đáp ứng được chương trình mới. Muốn đạt, anh phải sửa lại theo như yêu cầu chương trình".

Lập tức, GS Đại phản bác GS Sử rằng ông không cùng trình độ tư duy với mình. GS Sử sau đó đã cố gắng kiềm chế sự nóng giận của mình và nói rằng, ông có thể dừng đối thoại khi nhận được sự hành xử như vậy. GS Đại sau đó giải thích ông không có ý xúc phạm GS Sử, mà chỉ là sự khác biệt về tư duy.

"Dạy học đảm bảo chuẩn đầu ra là được"

PGS-TS Lê Anh Vinh có mặt tại buổi hội thảo với vai trò Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, và cũng là một trong những tác giả sách giáo khoa môn Toán lớp 1 đã được phê duyệt.

Khác với các bậc tiền bối cho rằng sách của GS Đại không tương thích với chương trình giáo dục phổ thông mới, vị lãnh đạo trẻ của viện nghiện cứu nêu quan điểm: Chương trình cũ, chương trình mới không thể quá xa rời nhau mà phải có sự kế thừa và liên kết. Chương trình mới quy định về chuẩn đầu ra, cho nên dạy học như thế nào để đảm bảo chuẩn đầu ra là được.

"Cũng giống như xây nhà, có người thích xây nhà ống, có người lại thích xây nhà vườn. Xây như thế nào cũng được, miễn thầy trò cảm thấy thoải mái khi ở trong ngôi nhà đó”.

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
PGS Lê Anh Vinh: "GS Đại có thể giữ cách tiếp cận ấy, nhưng cần điều chỉnh để trẻ tiếp cận trực quan đẻ tới gần với học sinh hơn nữa". Ảnh: Minh Thu

Cũng là một tác giả viết SGK môn Toán, ông đánh giá cao cách thiết kế tổ chức dạy học trong bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại. Cách thiết kế này đã giúp việc dạy học trở nên tích cực, chủ động hơn.

Khẳng định sự thành công của đổi mới giáo dục có vai trò quan trọng của người thầy, PGS Vinh nói sách CGD "đã làm tốt điều này". Nhưng đối với cuốn sách lớp 1 thì GS Đại nên điều chỉnh trực quan hơn với học trò.

Là một người làm Toán, PGS Vinh thích cách tiếp cận của GS Đại ở sách Toán. Ông cho rằng GS Đại có thể giữ cách tiếp cận ấy, nhưng cần điều chỉnh để trẻ tiếp cận trực quan. Ngay như bộ sách "Kết nối với cuộc sống" do PGS Vinh làm chủ biên cũng được hội đồng thẩm định góp ý sửa và hoàn thiện cho tốt hơn.

“Cuốn sách đã tồn tại 40 năm như thế chúng ta không thể nào nhận xét cuốn sách đó không tốt hay không có tính thực tiễn được”, PGS Vinh nhìn nhận.

Cần đảm bảo công bằng cho các cuốn sách

Sau khi lắng nghe đối thoại giữa các GS, PGS mà mỗi bên đều khá kiên định với quan điểm của mình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đã triển khai làm SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Vì thế, quy định thẩm định phải đảm bảo công bằng trong tất cả các cuốn sách. Bộ khẳng định, việc thẩm định lần này để công bố cho xã hội đã có những bộ sách đã đáp ứng được tiêu chí để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vì thế, nếu coi thẩm định là bước 1 cũng chưa hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh hàng năm. Còn ý kiến cho rằng Bộ cần có một cách thẩm định khác cho sách CGD thì lại tạo ra sự không công bằng giữa các bộ SGK khác.

Nghị quyết của Quốc hội ghi rất rõ là phải xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình thẩm định phải thống nhất và đảm bảo công bằng giữa các bộ sách.

"Bộ cũng rất khó khăn trong việc triển khai thực nghiệm. Việc thực nghiệm thí điểm triển khai trên diện rộng theo Luật phải báo cáo trước Thường vụ Quốc hội. Việc thực hiện triển khai thí điểm là vượt thẩm quyền của Bộ, mà đó là thẩm quyền của Chính phủ trình Quốc hội, được Thường vụ Quốc hội thông qua",Thứ trưởng cho hay.

"Cho nên, đề xuất của thầy Hào rất khó thực hiện. Các Chủ tịch Hội đồng đều có khuyến nghị nếu được thầy Đại nghiên cứu phương án điều chỉnh cuốn sách này để phù hợp với chương trình mới và tham gia vào việc giảng dạy cho học sinh. Bởi, một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ SGK đa dạng để sử dụng trong các nhà trường" - Thứ trưởng Độ kết luận.

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
GS Hồ Ngọc Đại và các cộng sự

PGS Nguyễn Kế Hào khẳng định việc coi sách CGD như chương trình cũ là không phải. Bản thân nó mới và xu hướng chung của giáo dục Việt Nam bây giờ đều theo những quan điểm có tính lý luận và triết lý mà bộ sách đã đặt ra từ trước. Còn cái Bộ đề ra vênh với cuộc sống thì Bộ phải xem lại mình.

"Trước hết, lãnh đạo Bộ cần phải đổi mới tư duy và xem lại quy định của Bộ. Tôi xin phép sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên vì sự phát triển của giáo dục tiểu học.

Vẫn giữ giọng nói hùng hồn, dù mới hồi phục sức khỏe, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định:

"Chương trình của chúng tôi không chống lại chương trình mới mà dùng chương trình mới theo tinh thần mới, triết lý mới, với trình độ hiện đại của thế giới mới và với trẻ em hiện đại,… Cái mới này tôi đã nhìn thấy trước và nói trước, chứ không phải nó đã cũ.Chương trình hiện nay là viết lại mới, còn tinh thần, nội dung, tư tưởng, trình độ là cũ hết. Chỉ có chi tiết mới, cách nói mới mà thôi".

doi thoai giua bo giao duc va gs ho ngoc dai chua tim duoc tieng noi chung
GS Hồ Ngọc Đại: "Chương trình của chúng tôi không chống lại chương trình mới mà dùng chương trình mới theo tinh thần mới". Ảnh: Kim Hiền

Ông giải thích rằng không phải mình xúc phạm ai cả, nhưng đó là 2 hình thức tư duy, 2 kiểu tư duy nên không giảng hòa bằng cách đồng đều được.

"Anh đòi chữa là chữa theo tư tưởng của các anh, phương pháp của các anh, còn tôi bảo vệ theo nội dung của tôi, tư tưởng của tôi, đường lối của tôi. Cái hiện nay chỉ là nói khéo hơn những cái cũ. Tôi phải nói thẳng như thế. Còn chúng tôi không cũ, chúng tôi mới thực sự làm ra một nền giáo dục mới. Phương pháp của tôi là thầy không dạy mà thầy giao việc, trò làm việc chứ không phải nghe lời thầy dạy. Cho nên không có so sánh học sinh với nhau, không cho điểm bởi vì anh căn cứ vào học sinh để xử lý chứ không phải căn cứ vào người lớn để xử lý. Đó chính là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đừng nói “phát triển năng lực”. Đó chỉ là nói chữ mà thôi".

Nguồn: VietNamNet
vietnamnet.vn
Phiên bản di động