Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản đã liên tục được đổi mới về mục tiêu, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành trong thời kỳ mới. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản tại Việt Nam.
Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe Hà Nội tạo “cú hích” phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Quốc hội sẽ giám sát tối cao về môi trường hoặc nhân lực chất lượng cao

Hôm nay (28/8), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới".

Thiếu nguồn lực đào tạo ngành Xuất bản

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản". Một trong những vấn đề trọng tâm đặt ra đối với ngành xuất bản trong thời kỳ mới được nêu rõ trong Chỉ thị, đó là việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ, giải pháp then chốt.

Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Toàn cảnh phiên Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Trong suốt hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xuất bản luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cách đây 20 năm, vào ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của ngành xuất bản, với những định hướng lớn, nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng và toàn diện, đã tiếp thêm sinh khí và mở ra thời kỳ phát triển mới rực rỡ của ngành Xuất bản nước nhà.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng thường xuyên rà soát, cải tiến, cập nhật nội dung chương trình, phương thức đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra theo hướng hiện đại, khoa học, bám sát những thay đổi, yêu cầu của thực tiễn ngành nghề và những bước phát triển của ngành Xuất bản trong nước và trên thế giới.

Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
PGS. TS Phạm Minh Sơn phát biểu khai mạc tại Hội thảo

“Tuy nhiên, Học viện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chung trong hoạt động đào tạo ngành Xuất bản hiện nay, như chất lượng đầu ra của công tác đào tạo còn chưa đồng đều; áp lực từ việc thiếu nguồn lực đào tạo cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật; công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xuất bản còn chậm, chưa theo kịp tình hình thực tiễn…”, PGS. TS Phạm Minh Sơn bày tỏ.

Phát biểu báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho hay, thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản đã liên tục được đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển nguồn nhân lực ngành Xuất bản trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế.

Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
PGS.TS. Vũ Trọng Lâm báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Cần đổi mới công tác đào tạo

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS. TS Hà Huy Phượng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xuất bản trong tình hình mới, thì việc đa dạng về nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo bồi dưỡng xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị là điều quan trọng.

Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
PGS. TS Hà Huy Phượng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày tham luận

“Nội dung đào tạo phải gắn liền với tình hình thực tiễn xuất bản sách lý luận, chính trị của đất nước hiện nay, trong đó cần bám sát những vấn đề mới đặt ra đối với công tác tư tưởng, lý luận, pháp luật của Đảng và Nhà nước; những vấn đề đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, chống diễn biến hòa bình, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, các quan điểm sai trái, thù địch...

Về hình thức đào tạo, cần ngắn về thời gian, tăng thực hành, nghe báo cáo chuyên đề, đi thực tế khảo sát...; tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch đề tài, nghiên cứu độc giả, kỹ năng biên tập xuất bản, in ấn, phát sách lý luận, chính trị” - ông nói.

Về mặt khác, PGS.TS Đỗ Thị Quyên - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội chỉ ra, trước yêu cầu mới, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng.

Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
PGS. TS Đỗ Thị Quyên

Hơn nữa, trong thời gian qua, ngành Xuất bản thế giới đã chứng kiến quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ theo nhiều xu hướng chuyển đổi số. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đạt được một số kết quả nhất định. Để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ nhân lực phục vụ chuyển đổi số, theo TS. Trần Chí Đạt, các cơ sở đào tạo cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của nhà trường; xây dựng và phát triển hệ thống đại học số/trung tâm nghề số, trung tâm bồi dưỡng số thuộc các cơ sở đào tạo ngành Xuất bản, phát hành.

Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
TS. Trần Chí Đạt Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Hội nghị

TS. Trần Chí Đạt nói: "Để có lực lượng nhân tài về kỹ thuật số, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình, môn học đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật số hỗ trợ công tác xuất bản; có thể phối hợp với các bộ môn về AI, dữ liệu lớn... của các trường đào tạo về công nghệ thông tin để thực hiện".

Ngoài ra, cần bổ sung vào chương trình đào tạo một số môn học nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ, nâng cao năng lực tiếp cận, sử dụng và hòa nhập vào môi trường giáo dục số. Các nhà trường cần đầu tư xây dựng hoặc liên kết với các nhà xuất bản, các công ty công nghệ để xây dựng và phát triển các trung tâm thực nghiệm, nghiên cứu ứng dụng số, tạo ra các giải pháp đột phá, phục vụ phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Xuất bản.

Đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý ngành Xuất bản, cần có phương pháp đào tạo mới kết hợp giữa tri thức về lãnh đạo, quản lý tiên tiến của thế giới với kinh nghiệm, giá trị và khát vọng riêng của Việt Nam. Nhà trường cần huy động các chuyên gia, học giả, nhà lãnh đạo và doanh nghiệp lớn tâm huyết với sự nghiệp phát triển nhân tài ở Việt Nam tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm.

Hội thảo khoa học Quốc gia "Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam làm rõ ba vấn đề chủ yếu: 1) Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; 2) Phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ các thành tựu, hạn chế và phân tích nguyên nhân, làm rõ những vấn đề đặt ra; 3) Đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đối số hiện nay.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động