Độc đáo Lễ Rija Nưgar của người Chăm tại phố cổ Hội An
Điệu múa Pô Nai cầu cho mùa màng tươi tốt trong Lễ Rija Nưgar của người Chăm |
Nhà thơ Kiều Maily chia sẻ: "Lễ Rija Nưgar có ý nghĩa tẩy uế, tẩy xóa những điều xấu của năm cũ, chào đón những điều tốt đẹp của năm mới. Cũng là dịp cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc phát triển, nhà nhà ấm no".
Lễ vật truyền thống đón Tết Rija Nưgar của người Chăm |
Lễ Rija Nưgar được các bạn trẻ Ninh Thuận tổ chức theo nghi thức như tại quê nhà. Các bạn trẻ làm các loại bánh, chế biến loại rượu truyền thống của người Chăm cổ để cúng tế, cầu nguyện tổ tiên và thần linh. Đặt biệt, các bạn trẻ còn biểu diễn kèn, trống và các nghi thức cầu nguyện truyền thống của người Chăm cổ. Trong đó, đáng chú ý là màn múa lửa đặc sắc của người Chăm.
Múa đạp lửa của người Chăm |
Người Chăm có câu "Đàn ông chinh chiến, đàn bà sinh nở" để nói về sự mạnh mẽ, kiên cường của người đàn ông trong bảo vệ xóm làng, quê hương. Lửa là yếu tố tượng trưng cho khó khăn, hiểm nguy mà con người phải vượt qua.
Hình ảnh thầy Ka-ing tại Lễ Rija Nưgar tay cầm kiếm với động tác vừa múa vừa chiến đấu bảo vệ xóm làng thân thương và thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng. Người Chăm gọi đó là điệu múa roi và múa đạp lửa tạo sự phấn khích.
Màn biểu diễn ca ngợi sức mạnh của thuỷ chiến vương quốc Champa xưa |
Khi thầy Ka-ing vỗ hát sang bài hát ca ngợi sức mạnh của thuỷ chiến vương quốc Champa xưa thì Ong Ka-ing vứt đi cây roi, nắm lấy cây mía dài (tượng trưng cho mái chèo cây sào) và làm những động tác như một thuỷ thủ đang cố sức chèo chống con thuyền vượt qua phong ba bão táp của trùng khơi. Sau đó, bất ngờ bẻ gãy và vứt bỏ nó với ý nghĩa sẽ neo thuyền ở luôn trong biển cả, lấy biển cả làm nơi cư trú.
Kiều Maily trình diễn điệu múa Chăm cổ |
Đến khi bài tụng ca Nai Tangya (một nữ sỹ trong lịch sử Champa có tâm sự đau buồn) được cất lên, điệu trống trầm lắng trở lại. Lúc này trên tay Ong Ka-ing chỉ còn cái quạt với chiếc khăn. Bước nhảy chậm và khoan thai, hai cánh tay đưa xuống thấp với đường cong đều và mềm dịu. Khuôn mặt, ánh mắt trở nên buồn xa vắng.
Hát Daoh Dam Dara (dân ca giao duyên đối đáp) đầu năm mới của đôi lứa trai gái |
Trong suốt tiến trình tồn tại, văn hóa Chăm đã bao lần biến đổi có lúc hấp thu rồi tiếp biến các giá trị bên ngoài, tạo thành cái riêng, đặc sắc của mình. Hiện nay, người Chăm vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống quý báu, trong đó có việc duy trì các lễ hội cổ xưa.
Tết Chăm tại Hội An cuốn hút đông đảo du khách tham dự |
Ngoài Lễ Rija Nưgar còn có Lễ tục như: Kate, Ramưwan… Đặc biệt, ngôn ngữ Chăm dù có bị pha tạp nhiều, nhưng vẫn được các nhà nghiên cứu, chuyên gia và một số người Chăm quan tâm và duy trì.
Du khách chụp ảnh lưu niệm với những người Chăm tại Lễ Rija Nưgar |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiệm vụ bảo tồn bản sắc văn hóa của người Chăm đang gặp khó khăn, nhất là khi người Chăm chỉ là một cộng đồng thiểu số, bị phân hóa thành các palei tách biệt nhưng hằng ngày có những sự tiếp xúc nhiều với một cộng đồng đa số.
Rượu truyền thống riêng biệt của người Chăm cúng trong dịp lễ |
Trong tiến trình hội nhập văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc các bạn trẻ đến từ Ninh Thuận đang làm việc tại TP Hội An tổ chức "Lễ Rija Nưgar" là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Chăm.