Độc đáo lễ hội Làm Chay tỉnh Long An

Sau 3 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội Làm Chay được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 4 đến 6/2 (tức từ ngày 14 - 16 tháng Giêng năm Quý Mão 2023) tại Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).
Độc đáo Lễ hội "Vua Hùng dạy dân cấy lúa" ở Phú Thọ Đặc sắc Lễ hội Đền Ngự Dội ở Vĩnh Phúc

Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Lâm; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hòa; đại diện lãnh đạo huyện Châu Thành; Một số sở, ngành, các huyện và tỉnh, thành khác.

Đại biểu cắt băng khai mạc Lễ hội Làm Chay
Đại biểu cắt băng khai mạc Lễ hội Làm Chay

Lễ hội Làm Chay được tổ chức tại Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) là lễ hội truyền thống của người dân địa phương nhằm cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đây cũng là sự kiện nhằm tưởng nhớ các anh hùng, nghĩa sĩ, liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, tiêu biểu là 2 vị anh hùng Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự.

Theo UBND thị trấn Tầm Vu, Lễ hội Làm Chay năm 2023 được tổ chức với mục đích bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo; Tôn vinh công đức to lớn của các anh hùng trong sự nghiệp giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải thắp hương tại lễ khai mạc Lễ hội Làm Chay
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Thanh Hải thắp hương tại lễ khai mạc Lễ hội Làm Chay

Qua đó, lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị khu di tích, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân trong thực hiện, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; Duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách đối với các giá trị di sản văn hóa dân tộc tại khu di tích.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, Ban tổ chức đã có kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, an toàn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy trong khu vực các di tích. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh trục lợi cá nhân.

Lễ hội Làm Chay là sự tổng hòa các yếu tố tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng dân gian và tri ân anh hùng, liệt sĩ, tạo nên một không gian lễ hội với những nghi thức cúng tế được kết hợp giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian.

Độc đáo lễ hội Làm Chay tỉnh Long An
Lễ hội Làm Chay diễn ra từ ngày 4/2 - 6/2 (Ảnh: Báo SGGP)

Trong buổi khai mạc, các đại biểu thắp hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Khải khẳng định, Lễ hội Làm Chay hội tụ những giá trị nhân văn quý giá, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử.

Lễ hội Làm Chay năm 2023 được tổ chức từ ngày 4/2 - 6/2 (nhằm ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động. Bên cạnh các nghi lễ cúng tế truyền thống, lễ hội còn có trò chơi dân gian, múa lân, hát bội... Hầu hết hoạt động của Lễ hội Làm Chay ở cả phần lễ lẫn phần hội đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình, tạo không khí sôi nổi.

Hoạt động xô giàn, đốt Ông Tiêu vào lúc 24h ngày 16 tháng Giêng âm lịch là chương trình quan trọng, được chờ đợi nhất trong Lễ hội Làm Chay nhằm cầu mong những điều may mắn, thuận lợi trong năm mới.

Sau lễ khai mạc là các hoạt động cúng tế liệt sĩ theo nghi thức tôn giáo. Người dân có thể tự do tham gia các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ lễ hội.

Kiều Liên
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động