Đặc sắc Lễ hội Đền Ngự Dội ở Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển đô thị tại huyện Yên LạcChủ tịch Quốc hội: "Xây dựng Vĩnh Phúc hiện đại, bền vững, nhân văn"Khai mạc Hội báo Xuân tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 |
Tới dự sự kiện gồm có ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Nguyễn Xuân Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường cùng đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Các đại biểu và Nhân dân làm lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của Tam vị Đức Thánh Tản. Ảnh: Kim Ly |
Đền Ngự Dội được hình thành từ năm 603 trên cánh bãi La Phiên, lộ Tam Đái, trấn Sơn Tây (nay là thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường).
Đền được Nhân dân lập nên để thờ Đức Thánh Tản Viên, gắn với huyền tích 2 cô thôn nữ nhờ phép màu của Đức Thánh đã dùng sọt gánh cỏ mà gánh được nước sông Hồng dâng lên Đức Thánh gột tẩy bụi trường chinh đúng vào ngày Rằm tháng Giêng, trước khi đức ngài trở về hóa Thánh trên đỉnh núi Tản hùng vĩ.
Hàng năm, Nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Đền Ngự Dội để tưởng nhớ công đức của Tam vị Đức Thánh Tản (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh), đặc biệt là các năm đại lễ (chính hội): Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Lễ hội mang nhiều nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất xứ Đoài xưa, đặc biệt là nghi lễ thu thủy, rước nước trong mát từ giữa dòng sông Hồng vào chiều ngày 14 tháng Giêng để tiến hành nghi lễ mộc dục Long Ngai bài bị “Tam vị Đức Thánh Tản” vào ngày Rằm tháng Giêng.
Nghi thức nghinh rước kiệu Đức Thánh Tản từ Đền Và sang Đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. |
Lễ hội Đền Ngự Dội không chỉ dừng lại trong khuôn khổ xã Vĩnh Ninh mà còn liên quan mật thiết với Đền Và (thị xã Sơn Tây) bởi trong truyền thuyết cùng thờ Tam vị Đức Thánh. Trước khi thực hiện nghi thức Mộc Dục tại đền Ngự Dội, người dân thị xã Sơn Tây, huyện Vĩnh Tường đã tiến hành nghi thức nghinh rước kiệu Đức Thánh Tản từ Đền Và sang Đền Ngự Dội rất uy nghi, hùng tráng với hàng chục nghìn người tham dự, bộ hành qua chặng đường trên 5km bằng cả đường bộ và đường thủy.
Tại đền Ngự Dội, sau khi hoàn thành các nghi thức tế lễ: Tế Yên Vị, tế Mộc Dục, tế Đốn, tế Khải hoàn, thì nghi thức rước kiệu đức Thánh Tản hồi cung, trở về Đền Và lại được bắt đầu.
Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, những nét đẹp văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của lễ hội Đền Ngự Dội vẫn được Nhân dân 2 địa phương Vĩnh Tường và Sơn Tây phối hợp bảo tồn, gìn giữ, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống và làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân trong vùng.
Lễ hội Đền Ngự Dội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018, trở thành niềm tự hào của Nhân dân địa phương.