Doanh nghiệp thép cũng than trời vì virus corona
Hàng không thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng do virus corona Doanh nghiệp dệt may cũng lao đao vì virus corona |
Chia sẻ với phóng viên, bà Chu Thị Tiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Hà (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, việc nghỉ Tết dài cộng với dịch bệnh đang khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Công ty thiếu nhân lực do nhiều công nhân nghỉ Tết và dịch nên chưa đi làm trở lại khiến việc sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, không có sản phẩm", bà Tiến chia sẻ.
Theo bà Tiến, việc tiêu thụ sản phẩm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các đơn hàng xuất khẩu cũng bị dừng, trong khi tiền nhân công, lãi ngân hàng vẫn phải trả.
"Khoản trả lãi ngân hàng là áp lực rất nặng nề với công ty, nếu tình hình dịch bệnh cứ kéo dài chúng tôi sẽ thực sự rất khó khăn", bà Tiến chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tiến (ngồi bên trái)- Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Hà đeo khẩu trang khi làm việc. |
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tiến Hà tiền thân là hộ kinh doanh sản xuất kéo rút thép từ năm 1990, hiện nay, các sản phẩm thế mạnh của công ty là các loại dây thép đen, dây thép mạ kẽm, dây thép gai, lưới B40, lưới thép hàn, lưới mắt cáo mạ kẽm, rọ đá, và mới nhất là sản phẩm lưới mắt cáo bọc nhựa.Cũng theo bà Tiến, công ty đã thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khử trùng các nhà xưởng, còn công nhân và ngay cả Giám đốc cũng phải đeo khẩu trang khi làm việc.
Không chỉ ngành thép, việc thiếu nguồn nguyên liệu từ các đối tác Trung Quốc cũng là tình cảnh chung của các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam đang phải đối mặt khi dịch bệnh do virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho biết, công ty chuyên sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng, thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh.
Theo ông Tùng, Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây có khoảng 600 lao động, chủ yếu là lao động địa phương. Việc sử dụng lao động địa phương, không có chuyên gia và người lao động người Trung Quốc giúp doanh nghiệp không bị ảnh hưởng vì thiếu hụt lao động do dịch viêm phổi cấp, thế nhưng, công ty lại bị ảnh hưởng vì vật tư, nguyên phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc.
Đại diện doanh nghiệp giải thích, sản phẩm của công ty có tỷ lệ nội địa hóa cao (đế giày 100% nguyên liệu trong nước, vật tư mũ 100% trong nước, các chi tiết trang trí cũng đạt 100% từ trong nước), thế nhưng, một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu.
Hiện tại, ông Tùng cho biết, nguyên liệu của công ty còn đủ sản xuất đến giữa tháng 3 tới, việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có thể tiếp tục trở lại vào giữa hoặc cuối tháng 2/2020. Tuy nhiên, trước mắt, công ty đã có thêm một số đơn hàng, trong đó, có đơn hàng từ đối tác Hàn Quốc, sử dụng 100% nguyên liệu trong nước, do đó, khó khăn trong giai đoạn ngắn sắp tới sẽ được giảm nhẹ.