Kinh tế Việt Nam đứng vững trước những bất ổn của bên ngoài
Dự án 1 luật sửa 7 luật: Kỳ vọng gỡ nhiều “nút thắt” phát triển kinh tế Thủ tướng: Năm nay có thể đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế, xã hội |
Ngày 25/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố báo cáo triển vọng phát triển Châu Á (ADO) tháng 9/2024 và đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và đứng vững trước những bất ổn của môi trường bên ngoài.
Đề cập đến tác động của cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, đại diện ADB Việt Nam cho rằng, các thống kê về thiệt hại hiện tại có thể chưa phải là con số cuối cùng.
Dù vậy, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng với Việt Nam. Ông Shantanu Chakraborty lý giải con số này được họ đưa ra dựa trên kết quả nửa đầu năm cũng như các chính sách hiện tại và là số liệu có thể đạt được.
"Tôi cho rằng với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng từ bão Yagi, đây sẽ là cơ hội để Chính phủ đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư công. Tác động từ cơn bão vì thế có thể sẽ không quá lớn như tưởng tượng", ông nói.
Ảnh minh họa. |
Theo đại diện ADB, sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp được cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực góp phần gia tăng sản xuất.
Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn làm tăng thêm sự bất ổn.
Lạm phát dự báo tăng nhẹ ở mức 4% trong 2 năm 2024 và 2025, mặc dù căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột trên thế giới có thể tác động tới giá dầu và có khả năng gia tăng lạm phát.
Báo cáo của ADB cũng nêu bật một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Cầu bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ trong tháng 11 có thể khiến thương mại bị phân tán, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Theo đại diện ADB, việc tăng nhu cầu trong nước đòi hỏi phải có các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn phải duy trì lãi suất thấp. Sự phối hợp giữa các chính sách là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào 2 mục tiêu ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù không gian chính sách hạn chế. Tuy nhiên, rủi ro các khoản nợ xấu tăng lên do việc tiếp tục gia hạn quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
"Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế", đại diện ADB nhìn nhận.