Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ...
Nợ xấu không giảm như kỳ vọng của các ngân hàng Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm không phải là đặc quyền

Theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, trong hơn 8 tháng năm 2024, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, cân đối hài hòa lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng; các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn.

Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng.

Về tình hình cấp tín dụng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện so với cùng kỳ. Tính đến ngày 17/9 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.

Theo ông Dũng, răng trưởng tín dụng đối với các ngành đều cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu tín dụng của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phù hợp với cơ cấu tín dụng chung, trong đó tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng tích cực, chiếm khoảng 50% dư nợ ngành thương mại và dịch vụ toàn hệ thống.

Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tăng 4,93% (cùng kỳ giảm 0,2%).

Về một số khó khăn, vướng mắc, Phó Thống đốc cho biết, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp.

Bên cạnh đó, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của bất động sản còn ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng khó khăn.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng. Đồng thời nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ​.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động, các quy định của pháp luật có liên quan để cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị hoạt động, kịp thời nhận diện các rủi ro, sai phạm, triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, xử lý nghiêm túc, đúng quy định; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục bão lụt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai thi hành luật và tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể như cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng việc thi hành các luật vừa được sửa đổi, bổ sung; rà soát để tiếp tục tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý đối với các dự án, đối với việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Hậu Lộc
Phiên bản di động