Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa” vì giá thuê container leo thang

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các hãng tàu vận tải biển container có biện pháp kiểm tra, giám sát không để cho các cá nhân trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các hãng tàu vận tải container minh bạch giá cước vận chuyển.

Văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam nêu rõ, vừa qua, Cục này nhận được phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình trạng các hãng tàu vận tải biển container tăng giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển container rất cao hoặc thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu, không có tàu chuyên chở.

Trước thực trạng này, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hãng tàu vận tải biển container hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 146/2016/NĐ-CP. Cung cấp thông tin về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo Phụ lục kèm theo gửi về Cục Hàng hải Việt Nam.

Bên cạnh việc công khai, minh bạch giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các hãng tàu cũng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tại của thị trường trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.

Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa” vì giá thuê container leo thang
Việc tăng giá cước tàu biển, giá thuê container sẽ có tác động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các hãng tàu có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm việc tăng giá vận chuyển container, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay.

Thời gian vừa qua, theo phản ánh của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam, hàng hóa của các họ hiện không chỉ khó “xuất ngoại” mà còn chịu cước vận chuyển bất hợp lý, tăng từ 2 - 10 lần (tùy theo chặng).

Theo các doanh nghiệp, hiện đã vào cuối năm là thời điểm để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Tuy nhiên, việc giá cước vận chuyển đường biển tăng đột biến cộng với tình trạng thiếu container rỗng đang gây thiệt hại lớn, buộc doanh nghiệp phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và từ chối đơn hàng mới.

Trong báo cáo của Bộ Công thương gửi lên Thủ tướng Chính phủ dự báo, tình trạng thiếu tàu biển và thiếu container có thể kéo dài đến tháng 2-3/2021. Thậm chí việc dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, vẫn tiếp tục lây lan trên thế giới nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài hơn.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa có khuyến cáo đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cần lên kế hoạch và kịch bản ứng phó nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu tối đa sụt giảm xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp và tổng kim ngạch của toàn ngành trong thời gian tới.

Trước đó, sau nhiều quý xuất khẩu thủy sản không ổn định hoặc giảm do đại dịch Covid-19, Vasep đã đưa ra dự báo lạc quan và hy vọng vào tăng trưởng trong quý IV/2020 có thể đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của năm nay lên 8,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc thiếu container rỗng để đóng hàng, không có tàu chuyên chở… rất có thể ảnh hưởng tới nỗ lực tăng trưởng của ngành, nhiều khả năng kim ngạch không đạt được như đã đề ra do tháng 11 và 12/2020 giá trị xuất khẩu sụt giảm vì nhiều đơn hàng bị lui/hoãn.

Cũng như các doanh nghiệp thủy sản, tại thời điểm cuối năm, các ngành nông thủy sản đang vào mùa cao điểm giao dịch và giao hàng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau nên lượng hàng xuất khẩu rất lớn. Các doanh nghiệp gạo phản ánh hàng đã sẵn sàng giao nhưng phải chờ đợi hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi, thời gian giao hàng bị chậm lại bình quân từ 7 đến 20 ngày.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cà phê, ngoài khoản cước phí đang phải trả cao gấp đôi so với những tháng bình thường, còn phải trả các khoản phí trong mùa cao điểm cho hãng tàu (có hãng tàu thu 1.000 USD/container).

Đặc biệt, các doanh nghiệp điều và chè cũng phản ánh không xuất khẩu được sang các thị trường chủ lực khi cước phí tăng gấp 6-7 lần (từ 750-800 USD/container lên đến hơn 4.000 – 5.000 USD/container). Thậm chí, nhiều hãng tàu thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm 2021.

Bộ Công thương đánh giá, việc tăng giá cước tàu biển, giá thuê container sẽ có tác động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Văn Huy
Phiên bản di động