Doanh nghiệp nên làm gì để vượt 'bão' Covid-19?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phát triển các nguồn nguyên vật liệu trong nước, tìm và thay thế các nguồn nhập khẩu, tạo liên kết với các nhà cung ứng nội địa.
Doanh nghiệp thủy sản muốn vay với lãi suất 0% vì dịch Covid-19 Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh

Theo nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một số loại vật liệu Việt Nam có lợi thế như cao su, gạo… cần phải duy trì nguồn cung ổn định. Đảm bảo có doanh nghiệp lớn, đầu đàn thu gom dự trữ dựa theo gói hỗ trợ của Chính Phủ.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia bị đứt gẫy khi các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đang dừng các đơn hàng, các quốc gia cung ứng như Trung Quốc và Hàn Quốc mới bắt đầu khôi phục sản xuất nên việc xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định. Để duy trì lợi thế cạnh tranh thực cần phải có các quỹ hỗ trợ thu mua hoặc hỗ trợ xuất khẩu giúp đảm bảo nguồn cung phát triển ổn định, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa giúp cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được duy trì bền vững.

doanh nghiep nen lam gi de vuot bao covid 19
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (ngoài cùng bên trái) trực tiếp đi kiểm tra việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mùa dịch Covid-19. Ảnh: MOIT.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và phát triển các loại nghiên liệu mới thay thế nhựa, nhiên liệu hóa thạch… bằng các nguyên liệu tự nhiên, năng lượng tái tạo. Hiện tại xu hướng phát triển các loại nguyên liệu tự nhiên có xen-lu-lô như gạo, sắn, ngô… có thể thay thế một số bao bì nhựa, ống hút… Việt Nam rất sẵn các nguồn nguyên liệu có xen-lu-lô này nên cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển loại nguyên loại này.

Đối với nguyên liệu xây dựng hoặc dân dụng như cát, đất, gạch… ngày càng cạn kiệt có thể nghiên cứu các vật liệu xỉ, tro, bụi … thay thế. Trong khi đó, các nguyên vật liệu cho ngành dệt may cũng cần có hỗ trợ phát triển thay thế các vật liệu có độ bền hơn hoặc gia tăng tính diệt khuẩn có thể tăng cường vật liệu nano, vừa giảm trọng lượng vật liệu, vừa giảm tỷ trọng sử dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên lập các quỹ đầu tư mạo hiểm tăng cường nghiên cứu đổi mới, sáng tạo vật liệu mới, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các cuộc thi nghiên cứu và ứng dụng vật liệu mới nhằm tạo ra trào lưu đi đầu về ứng dụng nguyên vật liệu trong sản xuất và kinh doanh.

Cũng theo nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để chống chọi lại với dịch bệnh, các doanh nghiệp cần tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả, cập nhật công nghệ, cơ cấu và đào tạo lại nhân lực.

Trong đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng và năng suất, các hoạt động chưa cần thiết hay chưa hiệu quả nên cắt giảm và dồn nguồn lực vào các mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh, hiệu quả. Rà soát các khoản chi và hoạch định lại vốn và nguồn vốn. Tính toán chặt chẽ các ngưỡng chi phí cố định, biến đổi, chi phí vận hành… Xác định ngưỡng đóng cửa hàng nếu cần thiết.

Các doanh nghiệp cũng nên chủ động điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, nhất là lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin…

Đồng thời, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng; thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cập nhật các phần mềm quản trị như các phần mềm quản lý cửa hàng, kế toán, nhân lực… trang bị các camera và máy bán hàng, có mã số mã vạch sẽ giảm nhiều chi phí nhân lực làm các công việc giản đơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên thay thế các sự kiện bán hàng theo kiểu truyền thống bằng các giải pháp công nghệ để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin. Cập nhật các kỹ thuật bán hàng và tiếp thị qua mạng, gia tăng khách hàng và tăng chất lượng dịch vụ. Tăng cường hoạt động marketing hỗn hợp, kết hợp bán hàng qua mạng trực tuyến, thương mại điện tử và kinh doanh số.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần rà soát nguồn nhân lực, đào tạo lại nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, phát triển đa dạng kỹ năng bán hàng, tiếp thị, quản trị… tập trung vào đổi mới sáng tạo của lực lượng lao động hơn là số lượng lao động.

Văn Huy
Phiên bản di động