Doanh nghiệp lớn mong muốn Chính phủ làm gì sau khủng hoảng

Sau khủng hoảng do Covid-19, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam mong muốn Chính phủ tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế và có các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra.
“Gương mặt thân quen” top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2020 Chính phủ liêm chính, cam kết đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 - top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp lớn nhằm tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian qua, những rào cản và thách thức mà các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, cũng như các đề xuất, khuyến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp VNR500.

Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong thời gian vừa qua, 4 rào cản ảnh hưởng nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 gồm: Thị trường bị thu hẹp, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng giảm do dịch Covid-19 (chiếm 94,2%); tăng trưởng kinh tế không ổn định (63,5%); chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn (59,6%) và gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng (57,7%).

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt và cuộc sống người dân dần đi vào ổn định kể từ đầu tháng 9/2020. Tuy nhiên, những hậu quả do dịch bệnh gây ra đối với nền kinh tế vẫn chưa kết thúc và các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nỗ lực vực dậy và phục hồi sau dịch.

Doanh nghiệp lớn mong muốn Chính phủ làm gì sau khủng hoảng
Top 4 rào cản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020

Vietnam Repor dẫn báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng có gần 85,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là trung bình mỗi tháng có 8,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trên thực tế, những rào cản, thách thức như thị trường bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm, tăng trưởng kinh tế không ổn định, gián đoạn, đứt gãy nguồn cung ứng đều xuất phát từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Đây là rủi ro mà không doanh nghiệp nào có thể lường trước. Vì vậy, khi đối mặt với biến cố lớn, đa phần các doanh nghiệp đều rơi vào trạng thái bị động và phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tại thời điểm dịch vừa diễn ra.

Tuy nhiên, khảo sát mới đây được Vietnam Report tiến hành cho thấy đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp VNR500 đã thực hiện một số chiến lược nhằm ứng phó trước những tác động tiêu cực trong dịch và phục hồi sau dịch.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 5 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp trong năm 2020 là: Doanh nghiệp quyết định tăng cường đào tạo nhân viên, tối đa hóa nguồn nhân lực; giảm thiểu chi phí; tăng cường ưu thế cạnh tranh; tăng cường nguồn vốn cho ứng dụng công nghệ và kĩ thuật số và đẩy mạnh trải nghiệm khách hàng.

Doanh nghiệp lớn mong muốn Chính phủ làm gì sau khủng hoảng
Những đề xuất chính sách từ phía doanh nghiệp với Chính phủ. Nguồn: Vietnam Report

Theo khảo sát của Vietnam Report, nếu như trong giai đoạn trước, khi phải đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp đều đã tiến hành điều chỉnh chiến lược ưu tiên nhằm củng cố nội lực như cắt giảm chi phí hay tìm cách tối đa hóa nguồn nhân lực thì hiện nay, vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là duy trì dòng tiền ổn định và cân đối thu chi. Để đạt được điều này, không thể chỉ dựa vào nội lực của doanh nghiệp mà cần nhờ đến sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và các Ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ, ưu đãi và cho vay.

Đặc biệt, Vietnam Report cho biết, với sự đồng hành của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua, kết quả bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan. Bên cạnh việc tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ban hành các Nghị quyết về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Chính phủ còn tiếp tục cải thiện về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

Chính vì vậy, các đề xuất khuyến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp VNR500 năm nay đã có những thay đổi đáng kể so với năm trước.

Cụ thể, 76,7% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế. Mặt khác, 74,4% doanh nghiệp kỳ vọng giảm lãi suất tín dụng; 67,4% doanh nghiệp cần Nhà nước tăng cường các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra.

Ngoài ra, các chính sách về cải thiện môi trường pháp lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện cơ sở hạ tầng vẫn đang được doanh nghiệp quan tâm khi lần lượt chiếm tỷ lệ 65,1%; 55,8% và 51,2% theo kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong tháng 10 vừa qua.

Văn Huy
Phiên bản di động