Doanh nghiệp Châu Âu tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam
Ai đứng đầu đoàn đàm phán của Mỹ với Việt Nam? Thủ tướng: Ngày mai, thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ |
Chia sẻ tại buổi ra mắt "Sách Trắng 2025", ngày 11/4, ông Bruno Jaspaert, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam cần được đặt trên nền tảng vững chắc với những liên minh kinh tế dài hạn và cân bằng…
Theo ông, dù đối mặt với nhiều trở ngại toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Chính phủ Việt Nam trong năm 2025 vẫn được giữ nguyên, thể hiện rõ quyết tâm và khát vọng phát triển mạnh mẽ. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung củng cố nội lực, đồng thời tận dụng hiệu quả các lợi thế từ mạng lưới hợp tác quốc tế.
Theo Chủ tịch EuroCham, mặc dù thế giới đang trong bối cảnh rất xáo trộn về thương mại nhưng góc nhìn về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp Châu Âu vẫn lạc quan.
Cụ thể, theo báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp Châu Âu vừa công bố cho thấy các niềm tin của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam vẫn ổn định, nhưng vẫn "đang chờ đợi động thái từ Washington" và đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu.
![]() |
Ông Bruno Jaspaert, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). |
Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 2/3 số doanh nghiệp giữ quan điểm trung lập, không quá lạc quan nhưng cũng không quá lo ngại.
Theo ông Bruno Jaspaert, các doanh nghiệp Châu Âu xác định, trong kịch bản Việt Nam bị áp thuế cao, doanh thu của các doanh nghiệp Châu Âu sẽ giảm và trong số họ đã áp dụng chiến lược phòng vệ.
Tuy nhiên, dù thuế quan của Mỹ cao, điều này sẽ không thể khiến các doanh nghiệp Châu Âu rút lui khỏi thị trường Việt Nam.
"Một doanh nghiệp không phải như một cái ô tô, có thể rẽ trái, rẽ phải được ngay mà phải mất thời gian. Thời gian phản ứng của doanh nghiệp rất khác so với thời gian phản ứng thay đổi hàng ngày của Tổng thống Trump.
Hiện chưa có doanh nghiệp nào nói rằng sẽ đóng cửa nhà máy. Chúng tôi tin chắc rằng sẽ không có doanh nghiệp Châu Âu nào bỏ lại Việt Nam phía sau. Hầu hết các thành viên cho biết là đang chờ và xem xét", Chủ tịch EuroCham nói.
Theo ông Bruno Jaspaert, chuỗi cung ứng không phải muốn chuyển là được ngay mà phải có cơ sở về kinh tế. Tổng quan các thành viên EuroCham là lạc quan thận trọng. Việt Nam "có át chủ bài và chơi đúng bài", các doanh nghiệp Châu Âu đi nhanh thì hoàn toàn có cơ hội để phát triển.
Ông Bruno Jaspaert nhận định, dù giai đoạn hiện tại đầy thách thức với những biến động nhanh chóng và bất ổn toàn cầu ngày càng leo thang nhưng đây cũng là thời cơ vàng để chuyển mình.
Chủ tịch EuroCham nhận định, Việt Nam có cơ hội để củng cố các thế mạnh cốt lõi, mở rộng những mối quan hệ thương mại bền vững và đáng tin cậy, đồng thời tận dụng hiệu quả mạng lưới các hiệp định thương mại tự do nhằm thu hút thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý sẽ là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững cho Việt Nam.