"Đi tắt đón đầu" để khởi nghiệp thời đại 4.0
Hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp Trồng mai vàng Yên Tử quý hiếm, 8x Quảng Ninh kiếm nửa tỷ mùa Tết Chặng đường mới cho giáo dục khởi nghiệp Quảng Nam |
Tận dụng lợi thế để khởi nghiệp
Hòa chung xu hướng toàn cầu, Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, sẵn sàng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, nước ta đã chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam tăng tốc phát triển kinh tế, trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao trong tương lai. Điều này được thực hiện dựa trên nền tảng một chiến lược tổng thể của quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Anh Phan Nam Long, CEO Abivin, quán quân của Techfest Vietnam 2018 (Startup World Cup - San Francisco) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công |
Dựa trên hệ thống kết nối số hóa, vật lý, công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của internet và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, với bất cứ doanh nghiệp nào, bằng lòng với tư duy, cách làm cũ, không dám sáng tạo, đột phá, tìm lối đi mới thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Ra đời năm 2015, Abivin tập trung giải quyết các vấn đề trong ngành logistics truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning). Không giống các doanh nghiệp khai thác mảng logistics khác, start-up này dùng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây, giúp tiết kiệm 30 - 40% chi phí nhân lực và nhiên liệu.
Với đam mê thuật toán và lập trình, Phạm Nam Long, sáng lập, CEO Abivin (cựu học sinh chuyên Toán khối Chuyên Sư phạm Hà Nội) sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Máy học, Đại học Bristol (Vương quốc Anh) đã quyết định trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Trước khi về nước, anh từng có thời gian làm việc tại trụ sở của Google (Mỹ). Tại đây, anh học hỏi được tinh thần của người Mỹ khi mạnh dạn sử dụng các công nghệ hiện đại mới và chấp nhận rủi ro.
CEO Abivin nhận định, sau 20 năm mở cửa thông qua mạng Internet, Việt Nam đã có một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, tiếp cận mọi phát minh và công nghệ mới của thế giới. Đây là nền tảng cho ứng dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…
Anh nhìn thấy các vấn đề mà Việt Nam đang gặp khó khăn như nạn kẹt xe, tắc đường nên dành thời gian tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiện đại, đặc biệt là logistics. Từ những vấn đề trên, anh Long nhận ra cơ hội nắm bắt và phát triển trong ngành này.
“Người thành công không bao giờ nói vấn đề khó khăn là sự ngăn trở mà coi đó là cơ hội. Có vấn đề khó khăn những người khác mới bỏ cuộc, mình sẽ nắm được cơ hội, giải quyết mọi vấn đề”, anh Nam Long nhấn mạnh.
Ứng dụng Abivin vRoute được tích hợp thuật toán tối ưu lộ trình cao cấp, có thể thỏa mãn hơn 20 điều kiện khác nhau trong quá trình giao hàng như: Giờ đóng, mở cửa khác nhau của cửa hàng, loại xe, tận dụng tối đa trọng lượng, thể tích của các xe hay điều kiện giao thông khác nhau...
Trước đây, người điều phối giao hàng tại các doanh nghiệp phải dành từ 2 - 4 giờ đồng hồ mỗi ngày để giải bài toán này một cách thủ công. Với sự hỗ trợ của Abivin vRoute, người điều phối chỉ mất 5 - 15 phút để lên lộ trình giao hàng tối ưu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể tự động giải quyết được các vấn đề lặp đi, lặp lại trong quy trình hoạt động của chuỗi cung ứng.
“Thế giới đang tiến vào thời kỳ cách mạng 4.0 với việc ứng dụng rất nhiều kiến thức liên quan ở các lĩnh vực. Tôi được đào tạo về phân tích, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy. Trong khi đó, ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, môi trường... cần phải có ứng dụng công nghệ tiến tiến để giải quyết”, anh Nam Long cho biết.
Nhờ áp dụng công nghệ mới, start-up Abivin cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải. Abivin là đại diện của Việt Nam vinh dự vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Techfest Vietnam 2018 (Startup World Cup - San Francisco), giành giải thưởng một triệu USD.
Những con số tăng trưởng rất ấn tượng
Được thúc đẩy bởi lực lượng dân số trẻ và am hiểu công nghệ khi Đông Nam Á đang nhanh chóng trở thành thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới, cùng với đà phát triển chung của khu vực, Việt Nam cũng sở hữu những con số tăng trưởng rất ấn tượng. Trong phương tiện truyền thông xã hội bằng di động, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 5 cho mức tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu. Chỉ trong vòng một năm, Việt Nam ghi nhận thêm 8 triệu người dùng mới, tăng trưởng tới 16%.
Một báo cáo năm ngoái từ Temasek Holdings của Google và Singapore cũng đánh giá cao tiềm năng của nền kinh tế Internet ở quốc gia có gần 100 triệu dân như Việt Nam. Theo đó, các dự án về du lịch, truyền thông, đặt xe và thương mại trực tuyến đạt giá trị 9 tỷ USD vào năm 2018, dự kiến sẽ đạt 33 tỷ USD năm 2025. Do đó, ở Việt Nam các start-up vẫn còn nhiều "đất" để thể hiện.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp thì đến năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 start-up. Trong hai năm 2017 - 2018, khoảng 3.000 doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, tăng gấp đôi so với năm 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia đầu tư mạo hiểm như: FPT, Viettel, Vingroup, CMC... Cùng với đó, hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước đã được thành lập. Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn đã tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tích cực, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 là cách tốt nhất để thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước đi trước, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045.
Bây giờ hoặc không bao giờ Trong bối cảnh các nước đang chạy đua để khai thác tiềm năng, lợi ích của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Việt Nam cần tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 với tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ”; đồng thời, quyết liệt thực hiện các giải pháp để có thể “bắt kịp, đi cùng và vượt lên” trong hệ thống kinh tế thế giới. Chúng ta sẽ tạo dựng điều kiện cần thiết để bắt kịp, đi cùng trong các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, chúng ta tập trung nguồn lực, nỗ lực đột phá, vươn lên trong một số lĩnh vực công nghệ và kinh doanh mới, đưa Việt Nam lên vị trí đầu của một số chuỗi giá trị toàn cầu”. |