Để mỗi trường học là một mái nhà hạnh phúc...
Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu "Trường học hạnh phúc, ngành hạnh phúc" trong năm 2024 Lợi ích từ ứng dụng yoga trong trường học Trường học hạnh phúc và ý kiến của bạn nhỏ Thủ đô |
Thực hành kết nối hơi thở trước mỗi giờ vào lớp của Dự án "Trường học hạnh phúc" |
Trường học là nhà, thầy cô là bố mẹ
Trong 2 ngày 27 – 28/1/2024, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình hợp tác với Học viện Eurasia (ELI) về hạnh phúc và an lạc (Hiệp hội giáo dục Eurasia - Thụy Sĩ) tổ chức tập huấn Dự án “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2 năm học 2023 – 2024 (đợt 1) tại quận Ba Đình.
Toàn cảnh buổi tập huấn dự án "Trường học hạnh phúc" trong ngày đầu tiên |
Chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, với sự quyết tâm thay đổi, hướng đến nền giáo dục văn minh, thân thiện, hiện đại, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND quận về các giải pháp phát triển giáo dục. Nổi bật trong đó, ngành giáo dục quận lấy kim chỉ nam là mục tiêu xây dựng các trường học trên địa bàn đều trở thành một môi trường hạnh phúc đúng nghĩa.
Các thầy cô hào hứng tham gia hoạt động diễn ra tại buổi tập huấn |
Để có thể thực hiện tốt nhất mục tiêu này, phòng GD&ĐT Ba Đình đã hợp tác với Học viện Eurasia (ELI) về hạnh phúc và an lạc nhằm đưa mô hình Trường học hạnh phúc về các trường trên địa bàn quận, từ đó, kiến tạo hướng đi mới trong tương lai, để trường học thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai của các em học sinh.
Dự án Trường học hạnh phúc đã lần đầu được triển khai thí điểm trên địa bàn quận Ba Đình vào năm học 2022 - 2023 tại ba trường, gồm: Tiểu học Phan Chu Trinh, Trung học cơ sở Nguyễn Trãi và TH - THCS - THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục và đã đạt được những kết quả thành công nhất định. Bước sang năm 2024, dự án tiếp tục được triển khai thí điểm tại 4 điểm trường: Tiểu học Thành Công A, Tiểu học Việt Nam – Cuba, THCS Thống Nhất, THCS Phúc Xá.
Để giáo dục hướng tới hạnh phúc
Trong ngày đầu diễn ra buổi tập huấn, bằng cách dẫn dắt vấn đề nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng không rời xa thực tế, diễn giả Trần Thanh Loan (38 tuổi, Trưởng dự án Trường học hạnh phúc tại Hà Nội) đã chia sẻ với gần 50 đại diện ban giám hiệu, giáo viên các trường về tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường trên con đường xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, nơi được mệnh danh là ngôi nhà thứ hai ấm áp của các em học sinh.
Trao đổi cùng PV, diễn giả Trần Thanh Loan nói: “Năm 2018, dự án ‘Trường học Hạnh phúc’ lần đầu tiên được chúng tôi khởi xướng tại Huế. Sau đó từ năm 2022 - hiện tại, dự án đang được triển khai tại Hà Nội”.
Diễn giả Thanh Loan (áo len hồng) đúc kết lại những quy tắc chung của dự án "Trường học Hạnh phúc" |
Về lộ trình tập huấn tại quận Ba Đình, diễn giả Thanh Loan cho biết, trong buổi sáng thứ 7, diễn giả sẽ xây dựng những hoạt động cơ bản để mọi người cùng nhau kết nối và cởi mở. Từ đó, thầy cô hiểu về ý nghĩa của hạnh phúc đích thực cùng các nhu cầu cơ bản và giai đoạn phát triển của trẻ.
Thực hành về luận điểm trên, diễn giả đã lần lượt đi vào trao đổi, phân tích, mổ xẻ từng vấn đề như: Xây dựng bộ quy tắc chung về trường học hạnh phúc; chiêm nghiệm, trao đổi về sự phát triển của trẻ…
Đối với việc xây dựng bộ quy tắc chung, diễn giả cùng giáo viên tham dự cùng bàn luận và đưa ra kết luận chung về khung lý thuyết, lộ trình và tác động của dự án trường học hạnh phúc. Khung lý thuyết bao gồm: rèn luyện chú tâm; thành tố của sự quan tâm; các điều kiện cơ bản để trẻ phát huy hết tiềm năng; năng lực học tập cảm xúc – xã hội; các lĩnh vực của tổng hạnh phúc quốc gia.
Cô giáo đại diện dứng ra thuyết trình về phần làm bài của nhóm |
Đối với lộ trình xây dựng trường học hạnh phúc, sau quá trình thảo luận nhóm sôi nổi của thầy cô, diễn giả đã đúc kết lại và chỉ ra năm giai đoạn phản ánh rõ nhất các điều kiện bên trong, điều kiện bên ngoài cần thiết cho hạnh phúc cũng như an sinh trong giáo dục, bao gồm:
Giai đoạn 1: Nâng cao nhận thức về “Giáo dục hướng tới hạnh phúc” trong lãnh đạo nhà trường.
Giai đoạn 2: Đào tạo, phát triển giáo viên nòng cốt.
Giai đoạn 3: Học sinh được tham gia và cùng trao quyền.
Giai đoạn 4: Xây dựng hệ sinh thái Trường học hạnh phúc.
Giai đoạn 5: Đánh giá và vận động chính sách thay đổi hệ thống.
Khi giáo viên đã xây dựng được bộ quy tắc chung về trường học hạnh phúc, cũng như nhận thức được những giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ sẽ giúp họ và phụ huynh hiểu rõ hơn về học sinh, con em, đồng hành cùng các em một cách phù hợp hơn.
Các cô giáo bày tỏ niềm hạnh phúc với những trải nghiệm tại buổi tập huấn |
Sang ngày tập huấn thứ 2, thầy cô tham gia sẽ được tập huấn về cách quản lý cảm xúc, cách đối phó và chuyển hóa cảm xúc của mình. Theo chia sẻ của diễn giả, chúng ta nên phân biệt giữa cảm xúc và cách chúng ta phản ứng với cảm xúc.
Những món đồ trang trí đáng yêu tại buổi tập huấn |
“Mong ước lớn nhất của tôi qua 2 ngày tập huấn đó là tạo ra được một không gian để thầy cô sẽ được chăm sóc, yêu thương, tôn trọng, an toàn và cảm thấy mình không chỉ là một người giáo viên mà có cảm thấy giá trị của nghề giáo, một ngành nghề cao quý. Đó mới chính là nền tảng để có thể xây dựng được trường học hạnh phúc. Khi làm tốt điều đó, chắc chắn sẽ đem lại được hạnh phúc cho cho học sinh thân yêu”, diễn giả Thanh Loan cho hay.
Diễn giả Phương Vỹ chia sẻ tại buổi Tập huấn |
Qua những nội dung và hình ảnh sinh động, những vấn đề được đưa ra thảo luận, những câu chuyện thực tế, những tình huống xoay quanh các nội dung chủ đạo được diễn giả đề cập đến như: Hạnh phúc; Thế nào là một trường học hạnh phúc? Vì sao phải xây dựng trường học hạnh phúc? Muốn có trường học hạnh phúc, những người giáo viên, cán bộ, phụ huynh phải làm gì?... đã cung cấp và trang bị cho thầy cô giáo nhiều kiến thức, chia sẻ nhiều trải nghiệm, bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng cũng như của những cá nhân, tập thể các đơn vị tham dự.
Kết thúc ngày đầu tập huấn, các thầy cô giáo đã thực sự cởi mở, cùng trò chuyện và thân thiết với nhau |
Thầy cô vui vẻ tham gia các hoạt động thực hành tại buổi tập huấn |
Theo các chuyên gia, để xây dựng Trường học hạnh phúc cần đáp ứng 22 tiêu chí (các tiêu chí Trường học Hạnh phúc của UNESCO). Trong đó có 5 tiêu chí cốt lõi, đó là: Yêu thương, Tôn trọng, An toàn, Hiểu và Có giá trị. Khi làm tốt 5 tiêu chí này, mỗi người sẽ tự cảm thấy hạnh phúc, chứ không phải hạnh phúc ép buộc.