Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu "Trường học hạnh phúc, ngành hạnh phúc" trong năm 2024

"Chúng ta hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là hướng đến ngành hạnh phúc. Ngành chúng ta cũng cần hạnh phúc", đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Trường học hạnh phúc và ý kiến của bạn nhỏ Thủ đô THCS Nguyễn Trãi và dự án “Trường học hạnh phúc” Trường học hạnh phúc: Nơi cảm hoá, yêu thương và chia sẻ

Điểm sáng nổi bật của ngành Giáo dục trong năm 2023

Chiều 4/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo đó, năm 2023, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT có nhiều bước chuyển mình tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đạt được các kết quả nhất định.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ đã ban hành 6 Kế hoạch hành động và tổ chức thành công 6 hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội.

Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu
Quang cảnh tại Hội nghị

Triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở kết luận của Đoàn Giám sát, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông nhằm chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương.

Trong Chương trình GDPT 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai, đồng thời cũng đã tổ chức thẩm định và phê duyệt theo đúng lộ trình danh mục sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Bộ cũng hoàn thiện và công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đồng thời, công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Sau khi công bố đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của xã hội.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên nhằm hướng tới khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005.

Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu
Các Đại biểu tham dự Hội nghị

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục...

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra những tồn đọng, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong năm 2024.

Nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới ngành Giáo dục - Đào tạo

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh 4 “từ khóa” cốt lõi làm tinh thần triển khai cho năm 2024 đó là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng cho biết, đổi mới không bao giờ là dễ dàng, phải khẳng định được trước xã hội - đó là con đường không thể khác. “Chặng đường phía trước phải thể hiện tinh thần nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới. Trước một số việc nếu không thực sự bản lĩnh, xã hội không biết đặt niềm tin vào đâu”, Bộ trưởng nói.

Trong quá trình đổi mới nhiều yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được làm lan toả, chia sẻ thêm điều này, Bộ trưởng ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị, kết quả truyền thông trong năm 2023, qua đó giúp cho hoạt động truyền thông giáo dục tích cực hơn, chia sẻ của xã hội với ngành tốt hơn.

“Ngoài kết quả đổi mới, cần lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh một điều: Chúng ta hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là hướng đến ngành hạnh phúc. Ngành chúng ta cũng cần hạnh phúc”, Bộ trưởng gửi gắm.

Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị

Về một số việc, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng đề cập đầu tiên là làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tiếp tục đưa ra đề xuất, mở đường cho bước phát triển mới trong thời gian tiếp theo nhân Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; quan tâm đến nguồn lực cho đổi mới, đặc biệt là yếu tố con người, cần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Việc quan trọng tiếp theo là trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Về việc này, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông.

Một số nội dung công việc khác cũng được Bộ trưởng lưu ý là triển khai đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; các hoạt động thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Luật Nhà giáo là công việc rất lớn đặt ra cho năm 2024.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động