Dấu ấn Quản lý thị trường 2022: Chuyên nghiệp, hiện đại trong “cuộc chiến” chống hàng giả
Nâng cao chất lượng nhân lực
Trong thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bất chấp những khó khăn của tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như việc các đối tượng luôn tìm ra nhiều thủ đoạn vi phạm mới, tinh vi hơn, kể cả việc sử dụng công nghệ cao để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngành QLTT đã lên lộ trình phát triển lực lượng cũng như đáp ứng đòi hỏi, nhu cầu phát triển kinh tế thương mại trong nội địa.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, Tổng cục vẫn tiếp tục ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ. Bởi trước những diễn biến, phương thức, thủ đoạn tinh vi hiện nay nếu không ngừng nâng cao trình độ của kiểm soát viên thì khó lòng đáp ứng được nhu cầu công việc.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh |
Từ đầu năm 2021, Tổng cục QLTT cùng trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo cử nhân ngành QLTT với mục tiêu đào tạo lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp, khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT từng đặt ra yêu cầu: “Xây dựng lực lượng QLTT hiện đại, đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu; Trang thiết bị kỹ thuật hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp”.
Ông Trần Hữu Linh cũng bày tỏ mong muốn tuyển dụng được cán bộ được đào tạo chính quy, bài bản, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Cụ thể, cán bộ QLTT cần phải đảm bảo 8 kỹ năng cứng cùng một loạt kỹ năng mềm về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, công nghệ cao…
Ngành QLTT mong muốn cán bộ được đào tạo chính quy, bài bản, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay |
Tăng cường hợp tác quốc tế
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan; Trở thành lực lượng quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, kết quả này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, công tác chống hàng giả vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan như: Phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán ngày càng tinh vi, phức tạp; Cơ chế thực thi còn chống chéo; Hạn chế về nguồn lực; Nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao... Đặc biệt, theo Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục QLTT, nguyên nhân chính trong cuộc chiến này là sự phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
“Chỉ doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Vì vậy, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Nguyễn Thanh Bình nhận định và nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Hợp tác quốc tế giúp nhận diện tốt hơn các dấu hiệu hàng thật - hàng giả, nhất là hàng ngoại nhập |
Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng khẳng định, lực lượng QLTT sẵn sàng chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi vi phạm; Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình điều tra, xử lý của QLTT khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra, xử lý. Đồng thời, lực lượng QLTT sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi.
Để cụ thể hóa vấn đề này, tháng 12/2022, Tổng cục QLTT và tổ chức doanh nghiệp Cooperative Verniging Snb-React khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phối hợp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được diễn ra.
React là tổ chức doanh nghiệp với gần 30 năm kinh nghiệm trong công tác chống hàng giả với hơn 320 thành viên là các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. Tổ chức này có mạng lưới quốc tế với nhiều văn phòng và đối tác chiến lược tại nhiều quốc gia, có nhiệm vụ hợp tác, phối hợp với cơ quan hữu quan tại các quốc gia để chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thành viên.
Đẩy mạnh số hóa
Song song với công tác kiện toàn, ổn định tổ chức, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đã đặt nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin ngang hàng với nhiệm vụ chuyên môn mà toàn lực lượng QLTT phải triển khai thực hiện. Với quyết tâm đó, từ ngày 1/2/2022, hệ thống kiểm tra xử lý vi phạm hành chính (INS) đã chính thức được áp dụng trong toàn lực lượng. Hệ thống INS từ khi ra đời đã tạo chuyển biến mới, là công cụ đắc lực trong hoạt động công vụ của lực lượng QLTT.
Lực lượng QLTT áp dụng hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) vào thực tế |
Theo thống kê của hệ thống INS, trong năm 2022 có những hành vi vi phạm nổi bật về đầu tư kinh doanh, hàng lậu và vi phạm về giá, lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, hàng lậu và vi phạm về giá đang có xu hướng trở lại; Các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ gia tăng trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là Trung thu và dịp Tết Nguyên đán.
Phần mềm giúp rút ngắn thời gian tổng hợp, đánh giá hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ; Có thể tra cứu mọi thông tin về quá trình xử lý vụ việc và tiến độ thực hiện; Kiểm soát được danh sách tổ chức, cá nhân đã được kiểm tra hoặc chưa kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, kế hoạch chuyên đề… từ đó tránh được thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đây cũng là bước tiến quan trọng, góp phần cải cách hành chính, bắt buộc cá nhân, đơn vị phải hoàn thành nghĩa vụ thiết lập hồ sơ vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo đúng trình tự, quy trình nghiệp vụ.
Tổng Cục QLTT đề đã ra một trong 6 nhiệm vụ là: Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Từ quý I/2022, điện tử hóa toàn bộ hệ thống ấn chỉ giấy, chỉ dùng ấn chỉ điện tử.
Tăng cường chống hàng lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 |
Quyết liệt xử lý vấn nạn hàng giả, hàng bẩn dịp Tết |
Ngừa sai phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm, đấu tranh chống buôn lậu dịp Tết 2023 |