Đánh giá gây sốc của chuyên gia về giáo dục Việt Nam
Tuyển sinh vào lớp 10: Chỉ tiêu thấp, tỉ lệ chọi tăng vọt Quảng Nam: Tuyệt đối không để xảy ra gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia Hà Nội siết chặt việc tuyển sinh trái tuyến năm học 2019 |
Các ý kiến này được đưa ra trong khuôn khổ Tọa đàm về “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số” diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn chiều 2/5/2019.
PGS.TS Phan Thanh Bình phát biểu ý kiến trong tọa đàm. Ảnh: Theo VietNamNet |
Ý kiến tranh cãi nhất trong tọa đàm được nêu ra bởi PGS.TS Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. Ông nói: “Báo cáo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch - đầu tư gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức ghi nhận, đánh giá là 1 trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm khẳng định có những nơi vào học người học thấy như bị lừa. Ảnh: Theo Tuổi trẻ |
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học và ngôn ngữ học, nêu quan điểm: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”. Ông Thêm phân tích: “Trường học đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA rất cao. Hiện chúng ta kiểm định chất lượng, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường, người học gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ… Kể cả bài báo quốc tế cũng đối phó nốt, mà điều này chúng ta ngồi đây đều biết hết”.
Đồng tình với ý kiến này, hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: “Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới chứ không phải trong 10 nước tiên tiến nhất thế giới. Nếu chúng ta không kịp thay đổi thì trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam tiếp tục thua kém”.
Trong cuộc cách mạng 4.0 khi mọi thứ đều được số hóa với tốc độ thần tốc thì các chuyên gia vẫn nêu lên một hiện tượng lạ lùng ở Việt Nam là vẫn dạy ngôn ngữ lập trình Pascal - thứ thế giới từ lâu đã không dạy nữa. "Một số giáo viên dạy tin học trường phổ thông cho tôi biết họ đang dạy môn ngôn ngữ lập trình Pascal, trong khi trên thế giới không còn nơi nào dạy chương trình này. Tuy nhiên họ không dám đổi chương trình, nếu đổi thì sẽ bị kỷ luật", PGS.TS Phạm Thế Bảo, giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ.
Về ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết thêm: Trên thực tế, có những trường đã mạnh dạn dạy ngôn ngữ lập trình mới nhưng Sở phải giả bộ không biết hoặc phê bình trong văn bản bởi không thể làm trái quy định của Bộ.
Ngoài việc đưa ra các định vị về nền giáo dục Việt Nam hiện tại, các chuyên gia giáo dục còn thảo luận về việc làm sách giáo khoa, về chính sách cho giáo viên và đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào giáo dục.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, trong thời đại 4.0, cái cần trang bị cho học trò là bản lĩnh phản biện, là kĩ năng khai thác và sử dụng kho dữ liệu trên mạng chứ không phải là truyền thụ kiến thức một chiều hay thuộc bài để đối phó.
Còn Hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM khẳng định cần nhúng công nghệ số vào sách, cần thay đổi để học sinh không phải tưởng tượng, học chay khi cần vẽ một hình không gian.
PGS.TS Trần Minh Triết - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ quan điểm máy móc không thể thay thế giáo viên nhưng cũng đồng tình với ý kiến cần khuyến khích người học sử dụng tài nguyên hiệu quả và chuyển đổi cách dạy học sang cá thể hóa, chuyên biệt hóa cho từng nhóm học sinh.