Đại biểu Quốc hội lo ngại làn sóng rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng
Ngày 6/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, một trong nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng.
Các đại biểu chỉ ra tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao đã đe dọa đến hệ thống an sinh xã hội.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho biết, trong những năm qua, đại dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người lao động mất việc làm, không có thu nhập.
Trong bối cảnh đó, nhiều người lao động đã lựa chọn hưởng bảo hiểm một lần vì cần một khoản tiền để chi tiêu trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lớn về đến hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ cho người lao động nhằm giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định trong cuộc sống; Đồng thời xem xét bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm đối với địa phương để có thêm nguồn thu nhập hỗ trợ cho người lao động.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM). |
Cũng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) cho biết, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với đối với sự ổn định của chính sách. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này?
Trả lời chất vấn của các đại biểu xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, tình trạng này gia tăng nhiều hơn, nhất là trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, phải tìm ra nguyên nhân để có các giải pháp cụ thể.
Về việc có nên thành lập Quỹ hỗ trợ cho người lao động hay không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận ý kiến của đại biểu song cho rằng, đây chỉ là một trong nhiều giải pháp. Bởi lẽ, để giảm và tiến tới không còn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần thì đòi hỏi rất nhiều giải pháp liên quan, đặc biệt là phải tạo ra công ăn việc làm, thu nhập, đời sống tốt hơn cho người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cân nhắc thấu đáo về việc thành lập Quỹ hỗ trợ cho người lao động, bởi việc này cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tác động, báo cáo các cấp có thẩm quyền, thậm chí là phải báo cáo Quốc hội xem xét.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đó là đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần…
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội...
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia bảo hiểm xã hội nói riêng.
Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách. Đặc biệt là sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.