Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát quy định can thiệp sớm ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tổ chức can thiệp sớm, nhưng trước khi can thiệp cần tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ngân hàng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ việc xử lý ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và mua bắt buộc Chính phủ đề xuất bổ sung quy định xử lý khi ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt

Chiều 5/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã nêu ý kiến về quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng.

Theo đó, từ Điều 144 đến Điều 148, dự thảo luật đã kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua.

Theo đó, dự thảo luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Cho ý kiến về quy định này, có ý kiến đề nghị rà soát lại toàn bộ các quy định tại chương về can thiệp sớm theo hướng hạn chế tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước; Tăng trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý, giám sát tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng tổ chức tín dụng yếu kém.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tổ chức can thiệp sớm, nhưng trước khi can thiệp cần tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh quy định trách nhiệm của người đứng đầu ngân hàng, cũng cần quy rõ trách nhiệm của ngân hàng cổ phần, ngân hàng ngoài Nhà nước; Đồng thời trong thời gian tiến hành can thiệp sớm, không cho phép ngân hàng cổ phần mua bán cổ phiếu.

Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát quy định can thiệp sớm ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Cũng liên quan đến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ở tổ khác, đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (đoàn TP HCM) cho rằng, hiện nay, thị trường ngân hàng, tín dụng hoạt động còn nhiều bất cập, chưa lành mạnh; Có tình trạng sở hữu chéo, vi phạm pháp luật.

Theo ông Hải, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa rồi còn quá nhiều bất ổn, thị trường chứng khoán phát triển trồi sụt, chưa ổn định. Ngoài ra, thị trường ngân hàng thương mại chưa khẳng định được vai trò là kênh dẫn dắt vốn quan trọng của nền kinh tế...

"Do đó, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ giúp sửa đổi, bổ sung, khắc phục được những bất cập, thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng bền vững, ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh", ông khẳng định.

Trên cơ sở đó, ông Hải đề nghị bổ sung một số hành vi cấm, nổi lên gây bức xúc dư luận trong thời gian qua như việc môi giới trái phiếu không đúng pháp luật; Lôi kéo, ép buộc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm để đủ điều kiện vay vốn...

Đại biểu Hải cũng phân tích thêm, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, chưa phải kênh cấp vốn cho thị trường. Ngân hàng vẫn đang là kênh cấp vốn cho nền kinh tế. Nếu quy định mức dư nợ tín dụng quá thấp sẽ là điều bất cập.

Theo đại biểu, hiện nay, các doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng để phục hồi sau đại dịch. Nếu luật có hiệu lực, hạn mức tín dụng kéo xuống sẽ làm kinh tế khó khăn hơn; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị ảnh hưởng vì rất nhiều doanh nghiệp đang vay vốn trong nước.

Về biện pháp can thiệp khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, đại biểu Dương Ngọc Hải đồng tình vì điều này là cần thiết để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông đánh giá các biện pháp hiện nay chủ yếu đến từ phía Ngân hàng Nhà nước mà chưa thấy các giải pháp tự thân từ trong các ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.

"Thậm chí, dự thảo luật cũng chưa có biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng để xảy ra vấn đề này. Nếu quy định như thế này sẽ làm các tổ chức tín dụng ỷ lại, có suy nghĩ nếu gặp phải tình huống này Ngân hàng Nhà nước sẽ nhảy vào cứu", đại biểu Hải nêu.

Trước đó, trình bày tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực sau ngày 31/12/2023; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo...

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để bảo đảm có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Cụ thể, Điều 144 dự thảo luật quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…

Theo Thống đốc, tùy theo thực trạng, tính chất, mức độ rủi ro của tình trạng cần can thiệp sớm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một hoặc một số các biện pháp can thiệp sớm như: Hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản; Hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, hạn chế các giao dịch lớn, có rủi ro cao; đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; hạn chế thẩm quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành…

Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua; bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm; Quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động