Đại biểu Quốc hội: Hàng tỷ "tấc đất" lãng phí thì mất bao nhiêu “tấc vàng”?
Quy hoạch treo vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt"
Thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 trong phiên làm việc chiều nay (2/6), đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một giải pháp cơ bản, tối ưu.
Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác, lĩnh vực này lĩnh vực khác, việc lãng phí còn diễn ra trong một thời gian dài chưa có giải pháp khắc phục.
"Về quy hoạch treo, đây là nội dung "biết rồi, nói mãi" nhưng "không nói không được" vì qua tiếp xúc cử tri, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc, của Ban Dân nguyện thì nhiều lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo. Dù rất bức xúc, được đề cập nhiều trong các báo cáo nhưng năm tháng qua đi quy hoạch treo vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", đại biểu ví von.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận |
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, nước ta là nước nông nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, do đó đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng và có tính chất quyết định để tạo ra các giá trị vật chất cho xã hội.
"Ông bà ta có câu "tấc đất tấc vàng", thì nhiều dự án treo, hàng tỷ m2 đất bỏ hoang khiến lãng phí bao nhiêu tấc vàng; Trong khi hàng ngàn ha đất bỏ hoang, bỏ không, không triển khai được dự án thì hàng ngàn, hàng chục ngàn gia đình không có đất mà ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông... tiềm ẩn rủi ro, hiểm nguy rình rập", đại biểu tỉnh Cà Mau nêu.
Ông đề nghị cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án; có quy hoạch phù hợp, bám sát nhu cầu xã hội.
Cùng với đó, việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện nhưng vẫn được phân bổ vốn; Trong khi đó nhiều dự án dở dang, bức xúc thì không được bố trí, dẫn đến không phát huy được tác dụng, mà dự đường Hồ Chí Minh là một minh chứng. Mặc dù đã có chủ trương đầu tư từ cách đây 22 năm nhưng đoạn đường này vẫn tiếp tục được Quốc hội thảo luận để quyết định xem có đầu tư xây dựng các đoạn đường còn lại hay không...
Nhiều lãng phí cần đánh giá sâu
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đề nghị, cần có đánh giá, nhận định sâu kỹ hơn về việc để xảy ra tình trạng kit test COVID-19 không đạt chuẩn được lưu hành, không chỉ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân mà còn sử dụng ở các CDC, cơ sở y tế, gây ra sự lãng phí to lớn, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn |
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, sau 17 tháng Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test (từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021), công ty này chỉ bán kit test cho CDC và cơ sở y tế cũng đã đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Đồng thời, không kể tới những sai phạm nêu trên thì tại một số thời điểm trong thời gian phòng chống dịch, nhất là vào những tháng cuối năm 2021 - khi thực hiện bước chuyển chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, việc bắt buộc xét nghiệm COVID-19, đưa ra yêu cầu test nhanh âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động truy vết nguồn lây chưa thực sự thuyết phục, tiêu tốn một nguồn lực rất lớn không chỉ gây tiêu tốn ngân sách Nhà nước mà còn gây lãng phí nguồn lực của xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương trong một số giai đoạn cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục hành chính, "xin - cho" với hình thức giấy đi đường liên tục thay đổi, ban hành mới. Việc phối hợp, tổ chức thực hiện tại một số nơi còn thiếu tính nhất quán, linh hoạt gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch cũng như việc duy trì các chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực, ngân sách... Đại biểu đề nghị các bộ, ngành báo cáo rõ hơn vấn đề này.
Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng
Hoàng Thị Thanh Thuý |
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (đoàn Tây Ninh) đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều địa phương chưa rõ nét, có nơi chưa cương quyết, có tình trạng buông lỏng, quan liêu là tác nhân gây lãng phí, song chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
“Tình trạng lãng phí biểu hiện muôn mặt, nói nhiều nhưng chuyển biến chậm, thậm chí phức tạp hơn, tăng cả quy mô và tính chất... Tất cả đều là lãng phí, thất thoát nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân. Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng” – nữ đại biểu nhấn mạnh, song cho rằng vừa qua quyết liệt nghiêm trị tham ô, tham nhũng nhưng với lãng phí lại chưa thực sự nghiêm trị.
Nhấn mạnh cần minh định nội hàm “tiết kiệm” và “lãng phí”, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắc Lắk) cho rằng lãng phí không chống được rất nguy hại như đất đai hoang hoá thì không được đưa vào sử dụng tạo ra của cải vật chất, vốn ODA chậm giải ngân vẫn phải trả lãi, công trình chậm tiến độ thì đội vốn...
Do đó, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ tiết kiệm được cái gì, tiết kiệm bao nhiêu, chống lãng phí cái gì và bao nhiêu vì chỉ khi ý thức rõ mới có quyết tâm, thực hiện hiệu quả hơn.
“Có cái thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại, lãng phí; Có cái không hoàn toàn đúng quy trình nhưng tiết kiệm, chống lãng phí thì cái nào có lợi hơn cho dân, cho nước?” - đại biểu đặt vấn đề và đề nghị sớm có văn bản quy phạm pháp luật thể chế hoá chủ trương của Đảng, mở ra cơ chế cho người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá thì mới có cách làm hay, xã hội mới phát triển, đất nước phồn vinh.