Đặc sắc Lễ hội 5 làng Mọc
Bài 3: Hiểu bản sắc riêng của lễ hội để lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới Quận Tây Hồ hướng tới kỷ niệm 995 năm Lễ hội Đền Đồng Cổ Bài 2: Một mùa lễ hội đang dần được "gạn đục, khơi trong” |
Người dân háo hức mong chờ
Tại đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân), cổng chào vào hội được dựng trang trọng và rực rỡ. Từ những ngày đầu tháng 2 Âm lịch, các bô lão và thanh niên trai tráng tại năm làng đã, rục rịch dựng cổng, chuẩn bị cho lễ hội 5 làng Mọc. Có thể thấy, sau thời gian tạm dừng tổ chức vì ảnh hưởng của dịch COVID -19, người dân rất háo hức mong chờ lễ hội diễn ra.
Bà Thanh Hoa, người dân làng Giáp Nhất chia sẻ với cảm xúc tự hào: "Tôi từng đưa hai con tôi đến với hội làng khi các bạn ấy còn nhỏ. Năm nay, tôi sẽ đưa các cháu đi chơi hội như bố mẹ các cháu ngày xưa vậy. Việc giáo dục cho con trẻ ngay từ nhỏ thông qua các lễ hội, để chúng yêu thích và khám phá về văn hóa dân tộc là vô cùng cần thiết. Không phải đi đâu xa, Lễ hội 5 làng Mọc ngay giữa Thủ đô với nhiều hoạt động rất lạ và vui. Tôi mong sẽ nhìn thấy nhiều các bạn trẻ tìm tới và tham gia những ngày hội làng của chúng tôi" - bàHoa nói.
Kiệu bay luôn là màu sắc bí ẩn linh thiêng của lễ hội 5 làng Mọc |
Nét đặc sắc của Lễ hội 5 làng Mọc chính là màn “kiệu bay”. Các thanh niên khôi ngô, tuấn tú rước kiệu chao đảo, bay lượn khắp đường làng, ngõ phố. Các kiệu Thánh có lúc vui đến cực điểm thăng hoa “bay” liên tục. Theo các cụ phụ lão, kiệu bay là do các Thánh chào nhau thể hiện niềm vui hội ngộ. Những cỗ kiệu lớn bốn người khiêng, tám người khiêng múa như bay trên đường đi, thoắt tiến thoắt lui, lúc chạy băng băng trên đường, lúc quay tròn như cơn lốc, rất linh hoạt và uyển chuyển. Mặc dù trên đường người dự hội đông như nêm cối, nhưng kiệu bay rất thanh thoát, không hề bị vướng.
Cụ Hồ Quang Hùng, 82 tuổi - người dân làng Hạ Đình hân hoan: “Hội làng của chúng tôi độc đáo nhất chính là phần rước kiệu bay, 5 năm mới có một lần nên dân làng mong ngóng lắm, bản thân tôi cũng thấy rất tự hào”. Ngoài việc tế lễ, rước xách, làng đăng cai còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chơi cờ người, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, chọi gà, hát quan họ... làm tăng sức hấp dẫn của hội làng dịp đầu xuân.
Thanh niên trai tráng trong các làng đều có phần việc và nhiệm vụ tại lễ hội |
Nguồn gốc hội làng xứ "Kẻ Mọc"
Tương truyền, ngày xưa, do thiên tai, Nhân dân trong vùng đói kém, người chết đầy đường, bệnh dịch tràn lan, làng Phùng Khoang được vua cho nấu cháo, cơm nắm để phát cho dân chúng. Một cậu bé khi nhận được một nắm cơm đã chia cho 4 cậu bé khác cùng ăn. 5 người kết nghĩa anh em, sau này lớn lên, 5 người lập nghiệp ở vùng này, tạo dựng thành những làng trù phú, chính là 5 làng Mọc sau này.
Lễ hội được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân và Phùng Khoang, vừa kết thân, vừa tương trợ lẫn nhau. Mỗi làng thờ một vị thành hoàng làng riêng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Làng Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới phủ thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương; Làng Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân.
Kiệu rước các vị Thành Hoàng của mỗi Làng sẽ mang nét đặc trưng riêng biệt |
Theo các cụ cao niên, Lễ hội Năm làng Mọc có từ lâu đời, diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng Hai (Âm lịch)
Khu vực tổ chức hội là bốn đình thuộc hai quận, gồm: Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân và Phùng Khoang. Buổi chiều 11/2, Ban Tổ chức tiến hành tổng duyệt các nghi thức rước kiệu để chuẩn bị cho đoàn rước ngày 12/2.
Kỳ hội tổ chức rước vào ngày 12/2 thì ngày 11/2 các làng sẽ tổ chức lễ tế cáo và chuẩn bị cho đoàn rước kiệu vào ngày 12/2. Riêng ở làng Quan Nhân, dân làng có lễ rước nước. Đoàn rước khởi kiệu từ đình Trong, theo thứ tự: kiệu long đình rước bát hương, kiệu bát cống rước Đức Thánh Ông, kiệu nước và cuối cùng là kiệu Đức Thánh Bà. Đoàn rước ra giếng ở gần đình Hội Xuân, rước nước lên ''Nhà mộc dục'' , tiến hành bao sái cho Đức Thánh Ông và Đức Thánh Bà trước khi rước. Sau đó, rước nhị vị đi quanh làng rồi về đình trong dự hội.
Vào ngày rước, buổi sáng, sau ba hồi trống lệnh, phường đồng văn nổi nhạc thì các bộ phận của đoàn rước lần lượt đứng vào vị trí. Nghi thức tế hội đồng được thực hiện tại nhà tám mái dựng tại sân đình, với 3 tuần tế trong tiếng nhạc của dàn bát âm và tiếng chiêng, trống: sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Sau khi hoàn tất nghi thức tế hội đồng, các đội, các ban, các cụ thọ cùng các quan viên chỉnh trang lễ phục lần lượt theo lứa tuổi vào lễ tạ. Tiếp đến là dân làng và khách thập phương vào dâng lễ cầu Thánh.
Tế thánh xong, các cụ và dân làng cùng thụ lộc. Đình đăng cai sẽ mời khách ba làng anh em nghỉ ngơi và dự bữa cỗ chung với làng. Các cụ Thập, Cửu, Bát, Thất theo thứ tự sẽ ngồi thụ lộc trong nội đình, còn dân làng và khách thập phương sẽ thụ lộc tại sân đình.
Buổi chiều, 5 làng làm lễ tạ Thánh, các ngai Thánh cùng thần vị được cụ Từ và một số giai kiệu, chức sắc vào làm lễ rồi đưa ra kiệu để rước Thánh trở về làng của mình. Đoàn rước vẫn theo thứ tự: Giáp Nhất, Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân và Phùng Khoang. Qua cổng làng, kiệu Thánh làng đăng cai sẽ chào kiệu Thánh các làng anh em. Các làng anh em lần lượt chào chủ đám và rước Thánh làng mình hồi cung.
Độc đáo các hoạt động vui tươi trong khuôn khổ lễ hội 5 làng Mọc |
Lễ hội năm làng Mọc mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân Kẻ Mọc, các làng Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân, Phùng Khoang. Người dân tổ chức lễ hội thể hiện sự cố kết cộng đồng, là dịp để toàn cộng đồng được hóa thân, nhập cuộc vào việc làng, thể hiện vai trò và trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng làng xã. Các trò diễn trong lễ hội như con đĩ đánh bồng mang tính chất phồn thực, cầu mong cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân làng và cả nhân dân khu vực lân cận, tăng cường mối liên kết giữa các cộng đồng.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội năm làng Mọc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1727/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 5 năm 2021.