Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm của Thủ đô
Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024: Tạo sức sống cho các di sản Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 có gì đặc sắc? Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực năm 2024 |
Đó là đánh giá của các chuyên gia, nhà văn hóa tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn TP Hà Nội được tổ chức sáng 6/11.
Đổi mới tư duy phát triển văn hóa
Trình bày tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hán – Chủ tịch HĐND Thị xã Sơn Tây cho biết, 10 năm qua, Thị ủy Sơn Tây luôn coi phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham dự và phát biểu tại Hội nghị |
Điểm đáng chú ý là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thị ủy Sơn Tây đã không ngừng đổi mới tư duy; tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp Nghị quyết số 33-NQ/TW đề ra.
Điều này được cụ thể hóa bằng các chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác riêng về phát triển văn hóa, con người. Bên cạnh đó, để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, con người, Thị ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 9/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Ông Nguyễn Quang Hán – Chủ tịch HĐND Thị xã Sơn Tây trình bày tham luận |
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa và là nền tảng để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng: Đô thị văn hóa -lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô.
Thị xã đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài Thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tổ chức chương trình Tết Làng Việt, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Đêm hội trăng rằm Trung thu Thành cổ, Lễ hội khinh khí cầu Bình minh trên Thành cổ, Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng...
Đến nay, Thị xã đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, mô hình làm du lịch mới tại các điểm du lịch, như: trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh; ẩm thực cỗ Sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, tổ chức phiên chợ Làng Mô, chợ đêm Làng cổ…
“Hơn 1 triệu khách du lịch/năm tới Thị xã Sơn Tây – đó là con số cách đây 5 năm không ai nghĩ đến” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao công tác phát triển văn hóa của Thị xã Sơn Tây.
Khơi dậy được niềm tự hào của người dân
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, trong vấn đề văn hóa, con người, Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành quả. Đáng nói nhất là sự đổi mới tư duy về vai trò, vị trí và ý nghĩa của văn hóa, khơi dậy được niềm tự hào và góp sức của Nhân dân Thủ đô trong phát triển văn hóa. Song, vẫn còn sự không đều giữa các địa phương. Điều này phụ thuộc vào nhận thức của cấp ủy, chính quyền. Nhưng chúng ta cần thấy rõ, phát triển văn hóa, đặc biệt công nghiệp văn hóa không phụ thuộc vào xuất phát điểm của địa phương cao hay thấp mà là phụ thuộc vào nhận thức và sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền". |
Đánh giá về dấu ấn Nghị quyết 33 trên địa bàn Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị quyết đã khơi dậy niềm tự hào của người dân Thủ đô về văn hóa, bản sắc của mảnh đất nghìn năm. Điều này được thể hiện qua việc người dân, khát vọng được cống hiến cho Thủ đô. Mô hình Bảo tàng sinh thái làng Bát Tràng là một ví dụ điển hình cho việc sự vào cuộc của người dân, của cộng đồng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh, Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng được thiết lập là bảo tàng ngoài công lập, theo hình thức sở hữu tập thể là cộng đồng người dân Bát Tràng. Trong mô hình này, cộng đồng cư dân làng Bát Tràng với tư cách là chủ thể văn hóa - chủ sở hữu di sản văn hóa và cũng là chủ sở hữu, tổ chức và vận hành Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng
Bảo tàng sinh thái được thiết lập tại Bát Tràng giúp cho các nét văn hóa đặc sắc của Bát Tràng tiếp tục “sống” trong môi trường văn hóa làng cổ, cộng đồng chủ thể được hưởng lợi, kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao. Đó là những lợi ích hiện hữu trước mắt. Hơn thế, hình ảnh Bát Tràng nói riêng và Hà Nội được tôn vinh, văn hóa địa phương và quốc gia được bảo tồn, phát huy và mở rộng hội nhập bằng kênh du lịch văn hóa. Đó là những lợi ích lớn hơn nhiều và khó đong đếm.
Hay niềm tự hào về lịch sử của người dân Thủ đô còn thể hiện ở cách làm hay, sáng tạo của Di tích Hỏa Lò. Với cách truyền tải lịch sử “đi vào lòng người”, nơi đây trở thành điểm đến của người dân và du khách, góp phần bồi dưỡng lòng biết ơn cho các thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng, bất khuất của cha anh, từ đó thêm yêu và tự hào về một thành phố vì hòa bình.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh chia sẻ về mô hình Bảo tàng sinh thái làng nghề Bát Tràng |
Dấu ấn của thanh niên Thủ đô
Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn TP Hà Nội, vai trò của thanh niên được phát huy. Theo đồng chí Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, tham gia phát triển văn hóa, các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa danh lịch sử, các địa chỉ đỏ; tổ chức các hoạt động chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng; tích cực, chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng.
Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch văn hoá Hà Nội thông qua các trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn - Hội - Đội, các Đội hình hỗ trợ Du lịch Thăng Long - Hà Nội; tham gia xây dựng, giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương; đặc biệt là thực hiện việc “Mã hóa dữ liệu các địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục thanh niên”.
Bí thư Thành đoàn Chu Hồng Minh chia sẻ về những cách làm sáng tạo của thanh niên Thủ đô trong phát triển văn hóa |
Trong tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành đoàn Hà Nội triển khai hiệu quả phong trào Tôi yêu Hà Nội, Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới” gắn với cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trong toàn đoàn như: “Ngày Chủ nhật xanh”, các mô hình công trình thanh niên “Con đường bích họa, đường hoa thanh niên”, “Tủ điện nở hoa”,“Nhà vệ sinh thân thiện”, triển khai Công trình “Nhà phân loại rác thân thiện”; tuyên truyền 2 Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội trong việc thực hiện đám cưới nếp sống mới.....