Huyện Gia Lâm: Phát huy vai trò của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật quần chúng
Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm của Thủ đô Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024: Tạo sức sống cho các di sản Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 có gì đặc sắc? |
Số lượng các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật tăng nhanh chóng
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", đời sống văn hóa của các tầng lớp Nhân dân ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa và phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Có được điều này, huyện Gia Lâm đã chú trọng phát huy vai trò của các CLB, đội, nhóm văn hóa nghệ thuật quần chúng ở cơ sở.
Theo báo cáo của huyện, năm 2014, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 170 CLB, đội, nhóm văn hóa nghệ thuật quần chúng, đến năm 2024, con số này tăng lên 207 CLB, đội, nhóm. Mỗi câu lạc bộ có từ 20 - 80 thành viên tham gia; 18 CLB thơ câu đối tết được duy trì hoạt động tại các xã, thôn với hàng trăm thành viên tham gia, chủ yếu là các thành viên cao tuổi.
Các CLB văn hóa, văn nghệ của huyện Gia Lâm tăng nhanh về số lượng |
Các CLB thơ điển hình của huyện Gia Lâm đã có nhiều tác phẩm hay như CLB thơ Cao Bá Quát (Phú Thị), CLB thơ Kiêu Kỵ, CLB thơ Yên Thường, CLB thơ Bát Tràng, CLB thơ Dương Xá… Hội thi sáng tác thơ, câu đối Tết được huyện Gia Lâm tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần.
Bên cạnh đó, các CLB ca hát duy trì bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian như cải lương ở xã Đa Tốn, xã Kim Lan, xã Bát Tràng; hát chèo ở xã Dương Quang, xã Dương Hà; hát quan họ ở xã Ninh Hiệp, xã Kim Sơn, hát Văn ở xã Đình Xuyên…
Từ những niềm say mê nghệ thuật, nỗ lực, trách nhiệm của các thành viên CLB, đội, nhóm văn hóa nghệ thuật đã giúp cho công tác bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian trên địa bàn huyện Gia Lâm luôn được duy trì và phát triển.
Nhiều liên hoan, hội thi được tổ chức
Để hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ngày càng phát triển, huyện Gia Lâm đã quan tâm tổ chức rất nhiều các hội thi, liên hoan, hội diễn, thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân trong và ngoài địa phương đến thưởng thức và cổ vũ; đáp ứng nhu cầu giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và giải trí lành mạnh của Nhân dân.
Kết thúc mỗi hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng, huyện tổ chức xét tặng giấy khen, giấy chứng nhận, cờ lưu niệm và các hình thức khen thưởng khác cho các đơn vị tham gia. Thông qua đó, huyện phát hiện và bồi dưỡng tài năng, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng VH-TT huyện chia sẻ, hoạt động tích cực, sôi nổi của các CLB, đội, nhóm trên địa bàn huyện đã góp phần định hướng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, ứng xử nhân văn trong cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh.
Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa
Xác định cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá là yếu tố quan trọng để cho các CLB, đội, nhóm văn hóa, văn nghệ quần chúng hoạt động và phát triển, huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Gia Lâm luôn có những chủ trương, chính sách về xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện thực hiện chỉnh trang, cải tạo nhà văn hoá, nhà thi đấu thuộc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện, đầu tư xây dựng mới 9 Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã; xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang 162 nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Nhà văn hóa TDP Thành Trung ( Thị trấn Trâu Quỳ - huyện Gia Lâm) |
Nhà văn hoá huyện, các trung tâm văn hoá - thể thao cấp xã, các nhà văn hoá là địa điểm các câu lạc bộ, đội nhóm hoạt động, là nơi tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những thiết chế văn hoá đó đã góp phần đắc lực cho sự phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ từ huyện đến cơ sở, từ đó hình thành lối sống đoàn kết, ứng xử thanh lịch và văn minh.