Quận Tây Hồ hướng tới kỷ niệm 995 năm Lễ hội Đền Đồng Cổ
Quận Tây Hồ: Kiên quyết di dời tàu cũ nát ra khỏi hồ Tây |
Đền Đồng Cổ ven Hồ Tây được xây dựng năm 1028, thời Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng rất hiển linh, gắn liền với hội thề "Trung hiếu" với đạo lý sâu sắc, bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông; về sau lễ hội thề này vẫn được duy trì ở thời Trần và Lê.
Sách Toàn thư chép: Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Tư, Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra. Đầy đủ nghi trường theo hầu ra cửa Tây kinh thành, đến đền Đồng Cổ, họp nhau thề: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, Thần minh giết chết”.
Đền Đồng Cổ thuộc phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội. |
Cho đến nay đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề “Trung hiếu” truyền thống. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.
Năm nay, UBND quận Tây Hồ xây dựng kế hoạch tổ chức với nhiều nội dung hoạt động và dự kiến triển khai trong 2 ngày 21 và 22/5/2023 (tức ngày 3 - 4 tháng Tư năm Quý Mão).
Theo đó, phần lễ của lễ hội được tổ chức tại 2 địa điểm là sân đình Đông Xã – 442 Thụy Khuê và Đền Đồng Cổ - 353 Thụy Khuê. Tiếp theo sẽ là phần công bố quyết định trao bằng chứng nhận đưa “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; các chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như trống hội, múa Lân, thi đấu cờ người, cầu chinh, bóng chuyền hơi… Đặc biệt là chương trình sân khấu hóa tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chuẩn bị kỷ niệm 995 năm Lễ hội Đền Đồng Cổ và Công bố “Lễ hội Đền Đồng Cổ phường Bưởi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia". |
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho hay, lễ hội truyền thống kỷ niệm 995 năm và công bố quyết định đưa “Lễ hội đền Đồng Cổ” phường Bưởi vào danh mục Di sản phi vật thể Quốc gia thể hiện được các giá trị truyền thống tốt đẹp, khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của ông cha; khẳng định bản sắc văn hóa về lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Không những thế, lễ hội đền Đồng Cổ còn góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về giá trị của di sản và ý nghĩa của “Hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ” và nâng cao ý thức của người dân, khách du lịch trong việc bảo vệ di sản để giữ gìn màu sắc của truyền thống, của văn hóa và lịch sử ngàn năm.