Cuối tuần, lên Tây Hồ "trở về Trung thu xưa"
Quận Tây Hồ tập trung nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ Trung thu sớm của trẻ em khu tạm cư do mưa lũ ở Tây Hồ Quận Tây Hồ: Huy động tổng lực ứng phó với bão lũ |
Tết Trung thu từ lâu đã trở thành một trong những tết truyền thống lớn trong năm, được các vùng miền tổ chức với những bản sắc, phong tục riêng. Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm nên còn gọi là Tết trông trăng.
Trong phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ thơ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau.
Một không gian ngập tràn ký ức Trung Thu xưa sẽ được tái hiện tại Tây Hồ. |
Nhằm mục đích lưu giữ, bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho trẻ em một không gian vui chơi bổ ích nhân dịp Tết Trung thu, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ, UBND quận sẽ phối hợp với Viện nghiên cứu văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức Tết trung thu với không gian trưng bày chủ đề "Trở về Trung thu xưa" tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ.
Hiện tại, không gian Tết Trung thu xưa đang được lắp dựng thành các gian hàng có thiết kế đậm nét văn hoá Bắc Bộ, rất gần gũi với cuộc sống thường nhật ở thôn quê Việt Nam như: sân đình, bến nước, cây khế, bờ ao, lũy tre, hàng rào, giếng khơi, lu nước với chiếc gáo dừa… tạo tổng hòa thành kiến trúc đặc sắc với diện tích tổ chức thực hiện khoảng 500 - 1.000m2.
Tái hiện không gian nhà cổ đậm nét truyền thống |
Khi đến thưởng ngoạn không gian Tết Trung thu xưa, người dân và du khách còn được thưởng thức ẩm thực Tây Hồ, được tham quan và tham gia vào các hoạt động sự kiện đặc sắc như: Trưng bày mâm ngũ quả và cắm hoa truyền thống; thưởng trà sen Tây Hồ; hướng dẫn làm bánh trung thu truyền thống; thưởng thức chè sen, chè cốm; tham quan không gian trưng bày ảnh nghệ thuật trung thu truyền thống.
Du khách cũng được hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống, đồ chơi trung thu, vẽ mặt nạ giấy bồi, mặt nạ truyền thống, đèn ông sao, đèn con cua, đèn con cá cổ truyền, nặn tò he, chuồn chuồn tre, đèn kéo quân, hoạt động treo đèn lên cây ước nguyện... hoặc chiêm ngưỡng, tham gia cuộc thi múa lân, các trò chơi dân gian như nhảy dây, kéo co, ô ăn quan, cờ tướng, mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, chơi chuyền, bắn bi…; hoạt động nấu xôi, lễ hội rước đèn và thả đèn hoa đăng...
Nét giản dị, đơn sơ trong ngôi nhà tranh thuở xưa. |
Bên cạnh đó, các chương trình biểu diễn đặc biệt được tổ chức bao gồm: trình diễn thời trang trẻ em, trình diễn áo dài; trình diễn các hoạt động ca múa nhạc như hát chèo, hát Bội, biểu diễn ca nhạc, nhạc cụ truyền thống...
Hy vọng, những hoạt động phong phú, hấp dẫn tại Không gian Tết Trung thu xưa sẽ mang đến cho người dân, du khách những phút giây thư giãn, sảng khoái và thực sự cảm nhận được Tết Trung thu xưa của Hà Nội tại Tây Hồ.