Con cái chúng ta có thực sự học giỏi đến vậy?
Cả lớp 42/43 học sinh giỏi, Sở yêu cầu giải trình 'Trường dạy kiểu gì mà 42/43 em một lớp có giấy khen học sinh giỏi' |
Điểm 9, 10 không còn nguyên giá trị
Chị Hoàng Nguyên Thảo có con học lớp 3, Trường tiểu học Hồ Văn Cường, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Hai vợ chồng tôi cầm bảng điểm của con, thấy toán 10, Anh văn 10, tiếng Việt 9,5 mà chỉ biết nhìn nhau cười. Theo dõi quá trình học của con, tôi nhận định nếu đánh giá thực chất thì điểm số của con sẽ thấp hơn 1, 2 điểm. Con của mình có ưu điểm, khuyết điểm gì mình là người nắm rõ. Chẳng hạn cô cho bài tập toán về nhà, sau khi con làm xong, rà soát lại thì lần nào con cũng bị sai sót vài lỗi do tính toán không cẩn thận. Môn tiếng Việt thì không thể nào đạt 9,5 nếu như đề thi không rơi vào một trong những bài văn miêu tả mà cô đã cho các con học thuộc”.
Chị Thảo cho biết, khi con đưa bảng điểm cho mẹ, con chị đã rất háo hức: “Mẹ thấy con giỏi không? Con được đến 2 điểm 10 đó mẹ” khiến chị không biết trả lời thế nào. Nếu khen “con giỏi quá” thì sợ bé tưởng mình xuất sắc thật, nhưng nếu bảo con cần phải cố gắng thêm, thì cũng vô lý vì điểm 10 là cao nhất rồi. Cuối cùng, chị Thảo chỉ biết ôm con rồi nói: “Mẹ chỉ cần con chăm chỉ học tập là mẹ vui rồi”.
Nhiều phụ huynh nhìn nhận, việc cả lớp học đều đạt toàn 9, 10 khiến cho các con dễ bị “lầm tưởng” về bản thân, còn phụ huynh không ít người nghĩ rằng con mình xuất sắc thực sự. “Điều đó khiến cho các con không còn muốn cố gắng nữa, thấy việc đạt được điểm 9, 10 là hết sức bình thường. Khi điểm 9, 10 trở thành đại trà thì đâu còn giá trị. Tôi cảm thấy đau lòng vì điểm số đó không phải tất cả đều là năng lực thực chất của các con mà giống như các trường đang muốn làm hài lòng phụ huynh và nâng thành tích cho chính mình”, anh Nguyễn Hữu Tú, phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) chia sẻ.
Học để lấy kiến thức
Phụ huynh Hoa Xuân (ngụ chung cư Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM) chưa bao giờ dạy con học trong suốt năm lớp một vừa qua mà con chị luôn tự ngồi vào bàn học. Mỗi tối, chị Xuân chỉ hỏi con cô có cho bài về viết không, nếu có thì dặn con ăn xong viết, không viết thì mai con “khỏi đi học”. Ấy vậy mà nghe thấy “khỏi đi học” là con chị Xuân sợ liền.
“Vợ chồng tôi vẫn nói với con là con được một điểm cũng không sao, miễn sao con có ý thức tự học và cố gắng là ba mẹ vui rồi. Trong suy nghĩ của tôi, con thi được bao nhiêu điểm cũng không quá quan trọng, miễn đủ điểm lên lớp là được. Tôi sợ cảnh các con ai cũng được 9-10 điểm thì đâu còn gì để cố gắng nữa”, chị Hoa Xuân chia sẻ.
Chị Hoàng Mai Lan, phụ huynh sống tại Q.10 (TP.HCM), có con đang học lớp 3 Trường tiểu học Bành Văn Trân, cho biết: “Tôi vẫn có quan điểm nếu con đạt thì lên lớp, không đạt thì ở lại lớp, không sao cả, miễn con vui vẻ, thoải mái. Tôi nói với con là điểm số không quan trọng, không đạt điểm 9, 10 cũng không sao. Thay vì bắt con học thêm ở nhà cô, tôi cho các con đi học bơi, đàn guitar, bóng rổ…”.
Chị Lan chia sẻ thêm: “Tất nhiên tôi vẫn luôn dạy các cháu rằng học hành là vô cùng quan trọng. Tôi định hướng để các cháu có ý thức tự học và học để lấy kiến thức cho bản thân chứ không phải để giành điểm 10 hay để ba mẹ được tự hào. Phụ huynh làm ơn đừng bắt con cái chúng ta phải áp lực điểm số trên vai và nhà trường cũng nên đánh giá đúng năng lực của mỗi học sinh, để các con ai giỏi thì xứng đáng được động viên khuyến khích còn ai chưa giỏi thì biết rằng mình cần phải nỗ lực nhiều hơn”.