Cơ sở để Hà Nội trở thành động lực dẫn dắt cho cả vùng
Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phân quyền toàn diện cho Hà Nội Hàng loạt chính sách bảo vệ, phát huy giá trị di sản cho Thủ đô Hà Nội |
Động lực phát triển cho cả vùng
Chiều 10/11, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chia sẻ ý kiến bước đầu vào dự thảo luật này, đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua tiếp xúc cử tri, các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi để xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Các ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, việc sửa đổi Luật Thủ đô cũng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh |
"Dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô", đại biểu Trần Thị Vân chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Vân, các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung, lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.
Đồng thời, dự thảo luật cũng cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.
"Các nội dung về chính sách đặc thù của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm…", đại biểu đoàn Bắc Ninh nhận định.
Chủ động tổ chức sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế
Góp ý chi tiết hơn, về phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô (Điều 23), đại biểu Trần Thị Vân đề nghị bổ sung 1 khoản: “UBND thành phố Hà Nội quy định việc tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch, triển lãm mang tầm quốc tế trên địa bàn Thủ đô”.
Ban nhạc BlackPink biểu diễn ở sân vận động Mỹ Đình vào cuối tháng 7 vừa qua là sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc tế. |
Theo đại biểu Vân, quy định này nhằm phân quyền, giúp thành phố có thể chủ động quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao,… mang tầm quốc tế trên địa bàn thành phố nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, từ đó thu hút được các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô quốc tế đến Hà Nội.
Đối với quy định về UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã (Điều 12), đại biểu đề nghị quy định rõ hơn nội dung “giao quyền Chủ tịch UBND phường theo quy định của pháp luật” tại điểm a khoản 2 để tránh hiểu nhầm hoặc không quy định nội dung này.
Theo đại biểu, lý do việc “giao quyền” là thẩm quyền của người có quyền bổ nhiệm; do đó khi quy định thẩm quyền bổ nhiệm thì đồng nghĩa với việc có thẩm quyền “giao quyền” trong trường hợp chưa bổ nhiệm cấp trưởng của cơ quan trực thuộc.
Đối với quy định về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn Thủ đô (Điều 30), bà Vân đề nghị bổ sung 1 điểm ở khoản 7: “Thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản”.
Nữ đại biểu cho biết, thực tế hiện nay thời gian cho thuê đất công ích tối đa 5 năm, do đó rất hạn chế các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp vì thời gian ngắn, tổ chức, cá nhân thuê đất không yên tâm đầu tư để phát triển sản xuất.