Cô giáo mầm non bán nông sản sạch gây quỹ cho học sinh vùng cao
15 năm là giáo viên mầm non ở huyện miền núi Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cô giáo Đỗ Thuỳ Quyên đã có 7 năm gắn bó với những đứa trẻ người H'Mông ở Trường Mầm non Suối Giàng.
Không chỉ là một trong những giáo viên mầm non đi đầu của địa phương trong việc đưa công nghệ đến với trẻ vùng cao, cô Quyên còn là người sáng lập quỹ 'Nông sản sạch - cùng bé đến trường' trong hơn một năm nay.
Lớp học của cô Đỗ Thuỳ Quyên ở Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. |
Trường Mầm non Suối Giàng là một trong những trường thuộc vùng 135 - khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Lớp học của cô Quyên là điểm lẻ của trường - cách trường trung tâm 12km. Ở điểm lẻ của cô Quyên, 20-30 đứa trẻ ở các độ tuổi khác nhau nhưng phải ngồi chung một lớp là chuyện bình thường.
Với những đứa trẻ vùng cao 100% là người dân tộc thiểu số, giao tiếp cũng đã là một thách thức với các cô giáo người Kinh. Nhưng vượt qua những khó khăn ấy, cô Quyên nảy ra ý tưởng tận dụng mạng lưới giáo viên mà mình quen biết ở khắp mọi miền đất nước để thực hiện dự án Nông sản sạch.
‘Trong các giờ học, cô trò chúng tôi thường xuyên có những bài học giới thiệu đặc sản địa phương, các nghề truyền thống… Từ đó mà mình nảy ra ý tưởng cung cấp các sản phẩm được nuôi trồng từ chính địa phương mình, thậm chí là từ chính tay phụ huynh các em để mọi người đều được thưởng thức’.
‘Những sản phẩm giản dị ở quê mình nhiều khi lại là đặc sản với các địa phương khác. Phần lợi nhuận từ việc bán nông sản sẽ được trích một phần vào quỹ ‘Nông sản sạch - cùng bé đến trường’’, cô Quyên nói.
Cô Quyên cho biết, số tiền này đang được sử dụng để cải thiện bữa ăn cho học sinh Suối Giàng, tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ Tết cho các em. Ngoài ra, các cô còn sử dụng rất căn cơ để trích một phần giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo ở địa phương.
‘Hiện nhóm có 7-8 cô giáo ở khắp các tỉnh thành, chịu trách nhiệm là đầu mối ở địa phương đó, nhận hàng và giao hàng cho mọi người. Sản phẩm gồm rất nhiều mặt hàng là đặc sản của Yên Bái, Sơn La như: gạo nếp Tú Lệ, cốm, táo mèo khô, măng khô, gạo nếp cẩm, khoai sọ, mật ong…’.
Những tiết học STEM (môn học kết hợp giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - nv) của cô Quyên vừa dạy cho học sinh cách làm giá đỗ vừa giới thiệu cho trẻ biết thêm một món ăn. |
Cô Quyên chia sẻ, mặc dù quỹ không lớn nhưng trong suốt 1 năm qua, dự án Nông sản sạch của các cô đã làm được kha khá đầu việc. ‘Mỗi hoạt động đón Tết, tổ chức tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, quỹ đều trích ra một chút để hoạt động của các con đầy đủ hơn. Ngoài ra, quỹ cũng trích và kêu gọi mọi người ủng hộ thêm cho một số trẻ mổ tim, mắc bệnh ung thư, ủng hộ thầy giáo gặp tai nạn, bé bị bỏng…’.
Chia sẻ với PV, cô Quyên nói: ‘Mình vừa đến nhà một bé bị bỏng để trao quà và số tiền trị giá hơn 2 triệu đồng cho gia đình. Đây là số tiền được trích một phần từ quỹ và một phần do mọi người ủng hộ trực tiếp cho trường hợp của bé, hi vọng giúp đỡ thêm được gia đình trong lúc khó khăn’.
‘Vừa rồi, bọn mình phát động chương trình ‘Tivi cho em’, cũng có một chị ủng hộ số tiền gần đủ để mua một chiếc tivi hơn 4 triệu đồng. Chiếc tivi đó hiện đang trang bị cho một lớp học của Trường Mầm non Suối Giàng’.
Cô Quyên trao quà cho gia đình một em bé bị bỏng ở địa phương. |
Cô giáo vùng cao cũng thành thật chia sẻ, khách hàng của các cô chủ yếu là các cô giáo trên khắp mọi miền, chỉ biết nhau qua mạng xã hội, chưa từng gặp mặt.
‘Mọi người mua vì muốn ủng hộ là chính, chứ bán nông sản phí vận chuyển rất cao khiến giá thành sản phẩm đội lên rất nhiều. Có những khách ở xa nhưng mua nhiều lần và rất nhiệt tình ủng hộ mỗi lần chúng tôi kêu gọi gây quỹ cho các trường hợp khó khăn’.
Cô Quyên cũng nhớ tấm lòng của một vị khách ở tận Vũng Tàu khi bên chuyển hàng chậm, khiến thực phẩm có nguy cơ bị hỏng. Nhưng chưa kịp khiếu nại bên vận chuyển thì khách đã rất thông cảm và nhận hàng ngay. ‘Thực sự, bọn mình rất biết ơn tấm lòng của mọi người’.
‘Mỗi lần tổ chức hoạt động cho các con, các cô cũng đều giới thiệu rất rõ đây là số tiền được trích ra từ quỹ Nông sản sạch. Dù không kỳ vọng các con hiểu được hết, nhưng chúng tôi rất muốn các con biết đến tấm lòng của mọi người ở khắp nơi dành cho các con’.