Cô giáo dân tộc Tày - “người truyền lửa” nơi vùng núi Bắc Giang
Người “thuyền trưởng” xây ngôi trường hạnh phúc Cô giáo tiểu học với những mô hình lớp học hiện đại mang tên các loài hoa Cô giáo Thái, Tày không sờn lòng “tiếp sức” những đôi chân trần |
Vươn lên từ gian khó
Ít ai biết rằng cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh Đoàn Thị Hải Yến từng đạt giải Nhì môn Văn kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2000 và được tuyển thẳng vào Đại học sư phạm Thái Nguyên lại có một tuổi thơ đầy gian khó. Sinh ra và lớn lên tại một xã vùng cao của huyện miền núi Yên Thế, thời thơ ấu bố mẹ luôn công tác xa nhà, cô Đoàn Thị Hải Yến khi đó sống ở quê với ông bà, họ hàng cùng bạn bè, chủ yếu đều là người dân tộc thiểu số.
"Những buổi không đến trường, tôi cùng các bạn đồng trang lứa phải đi chăn trâu, lấy củi trên rừng phụ giúp gia đình. Trường học cách xa nhà vài cây số, xe đạp không có nên chúng tôi phải cuốc bộ. Đường tới trường nắng thì bụi, mưa thì sình lầy… Nói chung, để có con chữ của lứa tuổi chúng tôi khá gian nan" - cô Hải Yến nhớ lại.
Cô giáo Đoàn Thị Hải Yến – Giáo viên dạy Ngữ Văn, Trường THPT Mỏ Trạng. |
Theo lời nữ giáo viên giỏi cấp tỉnh, thời gian đó kinh tế khó khăn nên hết tiểu học, nhiều bạn bè đồng trang lứa phải nghỉ học do trường xa hay hoàn cảnh gia đình khó khăn và một phần suy nghĩ của cha mẹ cho rằng con mình chỉ cần biết chữ và tính tiền là đủ. Thế nhưng với nghị lực trong học tập, cô học trò Hải Yến đã thi đỗ trường chuyên và theo bố mẹ về phố huyện nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi con chữ.
Bước ngoặc quan trọng trên con đường học tập của cô nữ sinh dân tộc Tày là khi trở thành học sinh Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc - ngôi trường Dân tộc nội trú Trung ương, chiếc nôi đào tạo các thế hệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Học tập dưới mái trường khang trang, hiện đại cùng sự dạy dỗ của thầy cô giáo hết lòng vì học sinh các dân tộc thân yêu. Từ một cô bé nhút nhát, rụt rè năm nào, Hải Yến dần trở nên tự tin, tự lập trong cuộc sống, tích cực trong học tập...
Cũng dưới mái trường dân tộc nội trú, không phụ công thầy cô, Hải Yến ngày đêm chăm chút, rèn luyện trong học tập. Trái ngọt đã đến khi Hải Yến được vinh danh tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. "Sau bao ngày đêm đèn sách, tôi vinh dự đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2000 môn Văn, đồng thời được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Những điều mà trong mơ một cô bé người dân tộc thiểu số như tôi chưa bao giờ mơ đến. Chính các thầy, các cô Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc đã thắp lên trong tôi tình yêu đối với nghề bụi phấn..." - cô Hải Yến tâm sự.
Nuôi ước mơ của học trò thiểu số
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nữ cử nhân Hải Yến được Sở GD&ĐT Bắc Giang tiếp nhận và phân công về công tác trên chính quê hương mình - Trường THPT Mỏ Trạng. Đây cũng chính là mái trường có nhiệm vụ đào tạo học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Yên Thế.
Những ngày đầu trên bục giảng, nhìn các em học sinh dân tộc, cô giáo trẻ Hải Yến như được gặp lại chính tuổi thơ của mình. Bởi lẽ, bản thân cô cũng là người dân tộc thiểu số được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân quen Mỏ Trạng. Nữ giáo viên thấu hiểu được những khó khăn cũng như khát khao được học tập của con em đồng bào các dân tộc nơi đây.
Khó khăn bao nhiêu, cô Hải Yến càng nhận thức được rằng nhiệm vụ của người giáo viên vùng cao rất nặng nề. Không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy, khơi dậy hứng thú học tập của học sinh với bộ môn Văn qua từng bài giảng, cô Hải Yến tích cực tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn. Qua đó lan tỏa tình yêu, niềm say mê học tập cho học sinh. Bởi bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc chưa bao giờ dễ dàng với trường học vùng khó.
Theo nữ giáo viên giỏi cấp tỉnh Đoàn Thị Hải Yến, người giáo viên phải tự học hỏi, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Với học trò, các em phải lập kế hoạch chi tiết cho cả quá trình ôn luyện - từng bước bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về kỹ năng. Cả giáo viên lẫn học sinh phải thường xuyên đọc sách để mở rộng kiến thức, học hỏi kỹ năng, nâng cao năng lực cảm thụ, diễn đạt, cách trình bày…
Sau bao tháng này nỗ lực của cả tập thể thầy trò, kết quả kỳ thi học sinh học cấp tỉnh của Trường THPT Mỏ Trạng có nhiều khởi sắc, từ không có giải đến có giải, từ đạt giải thấp đến đạt giải cao. Nhiều em học sinh đạt giải Nhì, giải Ba cấp tỉnh và được tuyển thẳng vào đại học. Đặc biệt, trong danh sách học sinh giỏi có nhiều em là người dân tộc thiểu số.
Cô giáo Đoàn Thị Hải Yến – Trường THPT Mỏ Trạng vui với học sinh nhà trường. |
Nhắc về những kỷ niệm với đồng nghiệp, cô Hải Yến không cầm được nước mắt kể về cô giáo Nguyễn Thị H (ở Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Sau khi tốt nghiệp đại học, cô về công tác tại Trường THPT Mỏ Trạng, là một cô giáo trẻ trung, xinh đẹp, chuyên môn giỏi được đồng nghiệp và học trò ngưỡng mộ. Không may, cô bị lây nhiễm HIV, sau đó chồng và con đều mất vì căn bệnh thế kỷ, bản thân cô có thời gian bị mọi người kì thị, xa lánh.
Chính vòng tay yêu thương, đùm bọc, sự đồng cảm, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp dưới mái trường đã giúp cô giáo H có nghị lực vượt qua những tháng ngày khó khăn đó, trở lại trường, tiếp tục khẳng định mình bằng chuyên môn vững vàng, nhiều năm là giáo viên cốt cán, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Giờ đây, cô không chỉ là người giáo viên truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cho học sinh trong trường mà còn là một người truyền cảm hứng được cho hàng triệu khán giả trong cả nước khi được Đài truyền hình Việt Nam mời tham gia các chương trình như: Điều ước thứ 7, Người phụ nữ hạnh phúc…
Nói về cô Yến - đồng nghiệp của mình, thầy Vũ Đình Nghiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Mỏ Trạng đánh giá, cô Hải Yến là một giáo viên tâm huyết yêu nghề, có nhiều thành tích cao trong công tác. “Cô Hải Yến là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, được đồng nghiệp và học sinh yêu mến. Nhà trường vinh dự, tự hào khi cô Hải Yến được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khen thưởng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022...”.
Đúng như những gì chúng tôi cảm nhận về mái trường nơi miền sơn cước không chỉ là giảng đường “gieo con chữ”, mà nơi đây là mái ấm của thầy trò trường THPT Mỏ Trạng. Nơi đây có những thầy cô đang miệt mài đèn sách trao yêu thương, thổi bùng lên những khát vọng của những hoàn cảnh éo le, khó khăn, gian nan vất vả