Cô giáo Thái, Tày không sờn lòng “tiếp sức” những đôi chân trần

Họ là những giáo viên người dân tộc thiểu số Thái, Tày hết lòng vì sự nghiệp trồng người, nặng tình với những đôi chân trần nơi vùng cao Tây Bắc. Các cô giáo trẻ ấy đã và đang gắn bó, mang yêu thương đến với các thế hệ học trò nghèo.
Vĩnh Phúc: Cô giáo trẻ say mê với công tác Đoàn Bắc Giang: Cô giáo làm giả sổ đỏ mang đi cắm lấy tiền tiêu Cô giáo Vương Tuyết Băng và hành trình gieo mầm nhân ái
Cô giáo mầm non “nuôi” ước mơ đồng hành cùng trẻ tự kỷ
Cô giáo tài năng truyền cảm hứng cho học trò qua từng trang sách

Những cống hiến thầm lặng trên hành trình “gieo chữ” nơi non cao ấy đã được ghi nhận, họ là tấm gương tiêu biểu, được Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

Vượt mọi gian khó, cô giáo Thái hết lòng với học trò Mông

Mùa heo may lại về, mảnh đất Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên chuyển lạnh. Vùng non cao bao giờ cũng thế, rét hơn, khắc nghiệt hơn nhiều so với đồng bằng và nhiều tỉnh thành khác. Đàn em thơ, học trò nghèo với những đôi chân trần, thiếu cả manh áo ấm đến trường. Hình ảnh đó đã quen lắm với cô giáo Lô Thị Thầm (sinh năm 1992), người dân tộc Thái.

Gần 6 năm nay cô giáo 9X gắn bó với công tác giảng dạy ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Chị Thầm kể, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tây Bắc, được biết huyện Tủa Chùa thi tuyển viên chức, chị đã nộp hồ sơ và được tuyển dụng, giảng dạy bộ môn Địa lí tại trường PTDTBT - THCS Sín Chải. Đây là một ngôi trường hoàn toàn xa lạ đối với cô gái trẻ khi ấy, bởi chị chưa từng đặt chân đến mảnh đất Tủa Chùa. Tuy nhiên, là một người con sinh ra và lớn lên ở miền núi, chị thấu hiểu cái đói nghèo nơi đây.

Cô giáo
Cô giáo Lô Thị Thầm

Được sự động viên của gia đình, bằng tình yêu thương con trẻ, chị Thầm đã quyết tâm “bám trường” mang con chữ đến các em học sinh vùng khó này. Bắt đầu từ những ngày đầu tiên nhận công tác, chị luôn phải đối diện với rất nhiều những khó khăn, vất vả.

Cơ sở vật chất ở đây thiếu thốn, đường đến trường của các em học sinh gian nan lắm. 100% học sinh là con em người dân tộc Mông, trình độ nhận thức hạn chế. Trong khi đa phần phụ huynh không mặn mà với con chữ. Nếu không có lòng quyết tâm, những khó khăn này sẽ là trở ngại lớn đối với cô giáo trẻ và giáo viên sẽ nản lòng khi công tác ở vùng sâu, vùng xa.

Cô giáo Lô Thị Thầm cho biết: “Nhiều em học sinh ở nhà cách trường quá xa, phải đi bộ hơn chục cây số mới tới được lớp. Ở một số thôn bản vẫn chưa có điện, nơi điện thoại không có sóng, không thể gọi cho phụ huynh để trao đổi vấn đề liên quan đến các em. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của các con, phó mặc hoàn toàn cho giáo viên và nhà trường, thậm chí có những hôm, nửa đêm nghe học sinh ốm, chúng tôi phải xuống đưa thuốc, thăm nom thay người thân”.

Bản thân cô giáo Thầm gia cảnh cũng khó khăn. Nhà cách trường gần 100km nên bắt buộc chị phải thuê trọ. Chồng đi làm xa. Con nhỏ mới một tuổi, chị nhờ ông bà chăm sóc. Dạy học trò ở trường cả tuần, ngày nghỉ chị Thầm mới về thăm con.

Những năm công tác ở đây, cô giáo 9X không thể nhớ nổi hết tháng ngày vất vả cùng với Ban Giám hiệu nhà trường xuống các thôn bản để tuyên truyền, vận động học trò không bỏ học giữa chừng. Có những lần đi bản xe bị thủng săm giữa đường, phải gửi xe ở nhà dân. Có lúc, các thầy cô phải lên tận nương để tìm gặp động viên các em.

Cô Thầm cùng các em học sinh
Cô Thầm cùng các em học sinh

Dù là giáo viên trẻ nhưng chị Thầm luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh nắm chắc bài vở. Trong những năm học qua, chị đã có những sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học như: Hướng dẫn các em sử dụng bản đồ tư duy để học tập môn Địa lí; Hướng dẫn các em sử dụng Átlat Địa lí Việt Nam để học tập, nhằm giúp học trò yêu thích môn học hơn, cảm thấy học Địa lí nhẹ nhàng, không nhàm chán và nhớ lâu hơn, tránh được tình trạng học trước quên sau.

Năm học 2020 – 2021, đội tuyển của chị ôn luyện thi học sinh giỏi Đại lí có một học sinh đạt giải Ba cấp tỉnh và năm học 2021 - 2022 có một học sinh đạt giải Nhì cấp tỉnh.

Sáng tạo, kiên nhẫn rèn tiếng Việt cho các bé Tày

Cô giáo Nông Thị Hiệu, sinh năm 1990, là người dân tộc Tày đã giảng dạy gần 11 năm ở trường Mầm non Bình Văn, thôn Tài Chang, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nhiều năm liền, chị Hiệu đạt danh hiệu lao động tiên tiến; Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Chị được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn khen thưởng về những đổi mới sáng tạo trong công tác dạy và học, cùng nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.

Cô Hiệu
Cô Nông Thị Hiệu

Thấm thoát đã gần 11 năm, chị Hiệu “gieo chữ” tại trường Mầm non Bình Văn, một ngôi trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Từ những năm đầu tiên với rất nhiều thiếu thốn, trường mầm non được thành lập, tách ra từ trường tiểu học. Có phòng thì chia làm hai, một nửa làm phòng hội đồng, một nửa làm lớp học, thậm chí phải tận dụng cả nhà công vụ để làm lớp nhà trẻ.

Toàn bộ sân trường là đất đỏ. Đường lên cổng trường thường xuyên trơn trượt mỗi lúc trời mưa to. Nhà bếp được quây từ những tấm phên tạm bợ. Với địa thế trên núi cao nên trường học thường xuyên hứng chịu những trận gió to làm bật tung hết đồ chơi, bảng biểu, thời tiết nồm ẩm, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang trí lớp.

Đa phần các em học sinh của trường Mầm non Bình Văn thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Những ngày mưa rét ở đây nhiệt độ thấp hơn các khu vực khác từ 2-3 độ. Các em học sinh đến lớp không có áo ấm để mặc. Có em, bố làm công nhân phải ở với ông bà, lúc nào trên khuôn mặt cũng đầy vẻ lo lắng, vì nhà đông con cháu, lại quá nghèo không có tiền ăn học.

Cô Hiệu giảng dạy học trò
Cô Hiệu giảng dạy học trò

Các em học sinh ở Bình Văn chủ yếu là người dân tộc Tày, ít có cơ hội giao tiếp bên ngoài nên rất nhút nhát, vốn tiếng Việt và khả năng diễn đạt cũng hạn chế. Đa phần các em nói ngọng theo tiếng địa phương nên cô Hiệu gặp rất nhiều khó khăn khi dạy trẻ phát âm đúng và diễn đạt đủ câu.

Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long vừa công bố danh sách 68 thầy cô giáo tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam, chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Theo Ban Tổ chức, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay sẽ tuyên dương 68 giáo viên. Các thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương là những người có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; Các thầy cô giáo có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; Các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Dự kiến Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 được tổ chức vào dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Mỗi thầy giáo, cô giáo tham dự chương trình sẽ được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; Kỷ niệm chương của Chương trình và Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng nhiều phần thưởng khác.

Học trò thì khổ như vậy, cô giáo cũng hoàn cảnh. Chị Nông Thị Hiệu đi làm xa nhà 120km. Sau khi lập gia đình, chị có 2 con nhỏ, mẹ đẻ và bố chồng đều mắc bệnh ung thư. Nhà neo người không có ai chăm sóc, cũng có những lúc nước mắt chị rơi cảm thấy buồn lòng vì còn công việc, lại ở quá xa không chăm sóc được cho cha mẹ hai bên nội, ngoại…

Dù muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng không sờn lòng quyết tâm và tình yêu nghề, yêu trẻ của cô giáo 9X. Thời gian trôi đi, những lứa học trò cũng lớn khôn. Năm 2015, trường Mầm non Bình Văn đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ. chị Hiệu mạnh dạn áp dụng các biện pháp dạy học mới có ứng dụng công nghệ thông tin và đi sâu vào tận dụng đồ dùng, đồ chơi có sẵn tại địa phương, thực hiện tốt các chuyên đề “Dạy học lấy trẻ làm trung tâm” và “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số”.

Chị chia sẻ: “Kết quả nhận được thật bất ngờ, các em học sinh nói lưu loát tiếng Việt, khả năng diễn đạt tốt. Trẻ còn có thể tự kể những câu chuyện sáng tạo theo ý thích của bản thân. Phụ huynh đồng hành cùng giáo viên trong việc dạy trẻ tại nhà, ủng hộ các nguyên vật liệu cho trẻ học tại lớp: Trứng, rau, củ... Vì vậy kết quả học tập chuyển biến rõ rệt. Nhà trường còn đạt thành tích cao trong phong trào “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp và thân thiện”.

Niềm vui ấy đã tăng nguồn động viên cho cô giáo trẻ, thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp trồng người. Bên cạnh công tác giảng dạy, chị Hiệu phụ trách công tác nữ công ở trường. Chị còn tích cực kêu gọi cá nhân, tổ chức xã hội quyên góp, ủng hộ các em học sinh, chung tay giúp đỡ học trò nơi vùng khó.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động