Có gì ở Núi Cấm - nơi bắt được cặp rắn hổ mây khổng lồ?

Ngoài cặp rắn hổ mây khổng lồ nặng 60kg dài 7m đang gây xôn xao dư luận, Núi Cấm ở An Giang còn là một địa danh du lịch nổi tiếng với rất nhiều sản vật hấp dẫn.
An Giang xác minh thông tin cặp rắn hổ 60 kg bắt được ở núi Cấm

Núi Cấm (Cấm Sơn) là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí được biên soạn vào cuối thế kỉ XIX. Sách miêu tả rằng: "...thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong bảy núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót". Còn trước đó, theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, ngọn núi này được gọi là núi Đoài Tốn, và tác giả cho biết núi cao 50 trượng, chu vi 20 dặm dư hình như cái đài cao, nghiễm nhiên ở về cung Thìn Tỵ nên gọi là núi Đài Tốn...

co gi o nui cam noi bat duoc cap ran ho may khong lo
Khu Lâm Viên Núi Cấm

Dân gian còn gọi Núi Cấm là Núi Ông Cấm. Đây là ngọn núi cao hơn 700m so với mặt nước biển, là ‘nóc nhà’ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày nay, Núi Cấm nằm ở địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 90km và cách thị trấn Châu Đốc khoảng 30km.

Từ trước tới nay đã có vô số truyền thuyết, huyền thoại về Núi Cấm.

Tương truyền rằng, khi chúa Nguyễn Ánh trốn sự lùng bắt của nhà Tây Sơn đã trú tạm chốn này. Để đảm bảo bí mật, các cận thần của ông đã cho người phao tin trong núi đầy yêu tinh, ác thú để tránh dân trong vùng nhòm ngó. Núi Cấm còn nổi danh với chuyện thần Bạch Hổ hiển linh hay bí ẩn về “vồ Thiên Tuế”, vồ Bồ Hông, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà...

Thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản Đà Lạt của miền Tây, lại thấm đẫm các câu chuyện huyền bí và sắc màu văn hóa người Khơ Me, từ lâu Núi Cấm đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng ở An Giang.

Khách du lịch tới đây hành hương có thể đi cáp treo phóng tầm mắt ngắm những cánh đồng lúa mênh mông đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam. Du khách cũng có thể dừng chân nơi các quán võng tha hồ nghe tiếng suối róc rách hoặc ngủ đêm tại các quán trọ để lắng nghe hơi thở của núi rừng. Hoặc viếng thăm các ngôi chùa khá thâm u như chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, Trung Sơn Thiên Tự, chùa Vạn Linh...

Một điểm mà du khách đặt chân đến núi Cấm luôn muốn ghé qua đó là tượng phật Di Lạc. Bức tượng Phật Di Lặc cao nhất Đông Nam Á với 33,60m sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, rộng trên 2ha, mặt hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh.

Núi Cấm còn có những sản vật hết sức độc đáo đủ khiến khách hành hương nếm thử một lần và nhớ mãi không thôi. Đó là món ốc núi, cua núi - đặc sản chỉ có trong mùa mưa. Là món ếch được nhồi với thịt bằm, sả và đủ thứ gia vị núi rừng nướng vàng ươm trên lửa đỏ. Là món “vũ nữ chân dài” - khô nhái - vang danh cả Bắc Nam. Là món bánh xèo gói cùng với 20 loại rau rừng trở lên mới đủ vị.

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh An Giang đã có những đầu tư nhất định cho du lịch Cấm Sơn phát triển. Ước tính, mỗi năm núi Cấm đón hơn 1,2 triệu lượt khách thăm quan, đông nhất là vào mùa xuân dịp trẩy hội từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch.

Huyền My
Phiên bản di động