Cô gái ngồi xe lăn “may” cuộc đời bằng khuỷu tay

Trong cộng đồng thợ may và thiết kế trang phục quần áo hàng chục nghìn thành viên trên mạng xã hội, Thắm là một thành viên nổi bật vì cô là người duy nhất ngồi xe lăn nhưng vẫn có thể thiết kế và may đo trang phục không hề thua kém những người thợ bình thường khác.
Cô gái đam mê kỹ thuật luôn nỗ lực gặt “quả ngọt” Cô gái gặp nạn vì tà áo chống nắng cuốn vào bánh xe máy

Vượt qua bất hạnh, theo đuổi giấc mơ

Cô gái Phạm Thị Thắm (sinh năm 1991, quê tại phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã gây ấn tượng với người đối diện bằng phong thái tự tin, cách nói chuyện mạch lạc, tinh thần lạc quan tràn đầy thay vì khiến người ta chú ý đến chiếc xe lăn cô đang ngồi.

Cô gái ngồi xe lăn “may” cuộc đời bằng khuỷu tay
Cô gái Phạm Thị Thắm đang làm việc trên chiếc xe lăn

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đến năm 9 tuổi, Phạm Thị Thắm được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy. Mặc dù bố mẹ đã cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng số phận vẫn nghiệt ngã với cô, bắt cô phải gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn.

Bệnh tật khiến Thắm chẳng còn được tung tăng với cuộc sống bên ngoài, ngày này qua tháng khác cô chỉ nép mình trong căn phòng nhỏ. Khi vừa học hết cấp 2, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, trường quá xa nên bố mẹ không thể ngày ngày đưa đón con đến trường được nữa, Thắm thôi học từ đó.

Sau khi thôi học, cô tham gia lớp học thêu ở địa phương và trở thành thợ thêu tay phụ giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thế nhưng, thêu thùa vốn không phải ước mơ của Thắm. Từ nhỏ, khi còn điều trị bệnh, Thắm đã vốn bầu bạn với từng cây kim, sợi chỉ để may vá quần áo làm đồ chơi. Rồi Thắm đi đến quyết định phải theo đuổi ước mơ làm thợ may của mình.

Khi đó, Thắm vừa tròn 25 tuổi. Khi Thắm muốn làm thợ may, bố mẹ chỉ biết lắc đầu. Còn các chủ tiệm may chẳng ai dám nhận Thắm vào học nghề, vì đặc thù của nghề may phải dùng đến chân mới làm được.

Truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là người khuyết tật

Không bỏ cuộc và đầu hàng trước số phận, Thắm tìm hiểu và biết có những loại máy may được chế tạo cho người khuyết tật. Từ đó, cô không từ bỏ ước mơ, Thắm đi đến nhiều nơi và tìm mọi cách để học nghề. Và Thắm đã thực hiện được điều mà mình đã mơ ước bằng chính nghị lực và sự quyết tâm.

Tự tìm hiểu và học cách điều khiển máy may bằng khuỷu tay, khi cảm thấy mình có thể kiểm soát được máy, Thắm xin đi học nghề. May mắn thay, Thắm vô tình gặp được người thầy của mình qua một lần trò chuyện trên Facebook. Cảm thông trước câu chuyện của cô gái, người thầy nhận lời dạy nghề cho Thắm và cuộc đời em bước sang trang mới.

Sau 6 năm nỗ lực phấn đấu, hiện tại, Thắm đã có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang riêng tại quê nhà mang tên “Thắm ngốc”. Bằng tay nghề của mình, Thắm đã có một lượng khách ổn đinh, khách hàng dần tin tưởng và đặt may những sản phẩm cao cấp như: áo dài, váy thiết kế,…

Trong cộng đồng thợ may và thiết kế trang phục quần áo hàng chục nghìn thành viên trên mạng xã hội, Thắm là một thành viên nổi bật vì cô là người duy nhất ngồi xe lăn nhưng vẫn có thể thiết kế và may đo trang phục không hề thua kém những người thợ bình thường khác.

Không những vậy, Thắm còn mở lớp dạy may, đến thời điểm hiện tại, cô đã có học viên hành nghề. Ở cơ sở của Thắm, những người khuyết tật khó khăn sẽ được học miễn phí vì cô hiểu một công việc với người khuyết tật là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, Thắm còn lập một kênh YouTube để chia sẻ kinh nghiệm may vá với những người ở xa, không có điều kiện đến trực tiếp.

Sau khi xem chương trình “Nối trọn yêu thương”, Thắm đã chủ động liên hệ với chương trình để chia sẻ về câu chuyện của mình. Không lâu sau đó, Thắm đã trở thành nhân vật của chương trình, câu chuyện của cô đã truyền cảm hứng đến cho nhiều người, đặc biệt là người khuyết tật để họ có niềm tin hơn trong cuộc sống và bản thân mình.

Minh Trúc
Phiên bản di động