Chuyện lạ: Dịch vụ xin nghỉ việc hộ ở Nhật Bản
Ông Yoshihito Hasegawa, người đứng đầu công ty TRK sở hữu dịch vụ xin nghỉ việc Guardian, cho hay việc người lao động rời khỏi công ty cũng giống như một cuộc ly hôn nhiều lộn xộn. Năm ngoái, dịch vụ Guardian của công ty đã tư vấn cho 13.000 người muốn nghỉ việc.
Được thành lập năm 2020, Guardian đã hỗ trợ nhiều người, chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30, rời bỏ công việc một cách nhẹ nhàng nhất. Gần một nửa khách hàng của Guardian là phụ nữ. Một số người đã nhận việc vài ngày và sau đó phát hiện ra những lời hứa về tiền lương hoặc số giờ làm đều sai sự thật.
Guardian tính phí 29.800 yên (208 USD) cho dịch vụ của họ. Phí này bao gồm tư cách thành viên 3 tháng trong một công đoàn đại diện cho người lao động trong quá trình đàm phán nghỉ việc.
Nhiều lao động Nhật Bản cảm thấy ngại ngùng, vốn chỉ quen chấp hành nhiệm vụ hoặc cảm thấy hoảng loạn khi phải nộp đơn nghỉ việc |
Nhìn chung, khách hàng của Guardian thường làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng hầu hết người Nhật. Đôi khi cũng có những người làm việc cho các công ty lớn.
Hầu hết khách hàng của Guardian muốn được giấu tên, nhưng cũng có người không ngần ngại công khai danh tính.
Một thanh niên có tài khoản mạng xã hội tên là Twichan đã tìm đến xin giúp đỡ sau khi anh này bị chỉ trích về thành tích bán hàng và trở nên chán nản đến mức nghĩ đến việc tự sát. Với sự giúp đỡ của Guardian, thanh niên này đã có thể xin nghỉ việc sau 45 phút.
Trường hợp khác là anh Taku Yamazaki, cho biết anh từng làm tại công ty con của một nhà cung cấp công nghệ thông tin lớn. Anh hiểu rõ việc dừng công tác ở đây sẽ phức tạp và tốn thời gian vì anh đang làm rất tốt.
“Tôi cảm thấy rất biết ơn đối với nơi tôi sắp rời đi, nhưng tôi muốn được bước tiếp về mặt tinh thần và tiến về phía trước càng sớm càng tốt”, anh kể.
Luật pháp Nhật Bản về cơ bản đảm bảo cho mọi người quyền nghỉ việc, nhưng một số nhà tuyển dụng đã quen với hệ thống phân cấp kiểu cũ nên không thể chấp nhận việc người mà họ đã bỏ công đào tạo lại muốn bỏ việc.
Áp lực “tham công tiếc việc” của những người theo chủ nghĩa tuân thủ trong văn hóa Nhật Bản rất nặng nề. Người lao động không muốn bị coi là kẻ gây rối, không muốn đặt câu hỏi với chính quyền và có thể ngại lên tiếng. Họ có thể sợ bị quấy rối sau khi nghỉ việc. Một số lại lo lắng về ý kiến từ gia đình hoặc bạn bè.
Một dịch vụ giúp bỏ việc khác là Albatross, cung cấp gói hỗ trợ “MoMuri” với ý nghĩa là “không thể chịu đựng được nữa”, tính phí 22.000 yên cho những người làm việc toàn thời gian và 12.000 yên cho những nhân viên bán thời gian.
Người sáng lập Albatross Shinji Tanimoto cho biết các vấn đề tại nơi làm việc đã tồn tại từ lâu, nhưng giờ đây mọi người nhận ra rằng họ có thể nhận trợ giúp trực tuyến để giải thoát họ khỏi nỗi áp lực.
Nhiều người tìm đến đại lý xin nghỉ việc hộ” để rời bỏ công việc 1 cách nhẹ nhàng nhất |
Ông Tanimoto kể khách hàng của ông là một người muốn nghỉ việc tại một tiệm chăm sóc thú cưng vì người làm ở đây vẫn bí mật đánh đập những con vật này.
Một người khác lại muốn nghỉ việc ở phòng khám nha khoa nơi nhân viên không thay găng tay mới cho mỗi bệnh nhân.
Ông cũng chia sẻ thêm, nhiều phụ nữ làm y tá hoặc người chăm sóc được yêu cầu làm tiếp cho đến khi tìm được người thay thế, nhưng cuối cùng vẫn còn làm công việc này mãi tận một năm sau đó.
Yuichiro Okazaki, đồng sáng lập công ty xin nghỉ việc hộ Exit cho biết: “Rất nhiều người đi làm ở các công ty Nhật Bản cho rằng nghỉ việc là một điều sai trái hoặc đáng xấu hổ nên bản thân sẽ làm mọi người thất vọng hoặc bị sếp la mắng nếu chọn ra đi. Với ý nghĩ đó, bọn họ cứ cố gắng làm những công việc tồi tệ mà chính họ cũng ghét cay ghét đắng. Họ đã tiếp tục làm như thế cho đến khi chúng tôi xuất hiện”.
Okazaki cho biết nhiều người trong số đó đã kể lại những câu chuyện đau khổ về việc bị bắt nạt, buồn chán hoặc những kỳ vọng ngầm rằng họ phải làm việc ngoài giờ thêm hàng trăm tiếng mà không được trả lương. Thế nhưng, không có ai can đảm để thực sự nghỉ việc cả.
Hầu hết những khách hàng tìm đến Exit nói muốn từ chức luôn vào ngày hôm sau. Vào ngày đã hẹn, Exit gọi điện cho công ty và giải thích rằng khách hàng của mình sẽ không đi làm nữa, cũng không nhận bất kỳ cuộc điện thoại nào nữa và họ đang gửi thông báo trước 2 tuần theo yêu cầu của luật pháp Nhật Bản.
Đa số khách hàng đều có đủ thời gian nghỉ phép có lương được tích lại để trang trải cho khoảng thời gian đó. Cũng có những người khác vui vẻ coi đó là ngày nghỉ không lương chỉ để kết thúc quá trình một cách gọn gàng. Exit nói với các công ty rằng thủ tục giấy tờ sẽ được gửi qua đường bưu điện.
Tại sao phần lớn học sinh Nhật Bản kém tiếng Anh? Điểm số giảm mạnh trong các bài kiểm tra tiếng Anh của học sinh trung học cơ sở tại Nhật Bản đã gây lo ngại ... |
Nỗi lo không người kế nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản năm 2019 ước tính đến năm 2025, nước này có khoảng 1,27 triệu chủ doanh nghiệp và cơ ... |
Nước nào soán ngôi hộ chiếu quyền lực nhất của Nhật Bản? Đảo quốc sư tử thay thế vị trí của Nhật Bản, trở thành nước có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2023. |