Chuyển đổi số nâng tầm vị thế Thủ đô
Từ sức hút của một lễ hội truyền thống
Những ngày đầu tháng 3/2024, Lễ hội làng Công Đình, xã Đình Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội) trở thành “điểm nhấn” đáng chú ý của huyện Gia Lâm. Sau 9 năm, lễ hội này mới được tổ chức trở lại trong sự hào hứng, phấn khởi của người dân nơi đây. Ông Lâm Viết Tuấn, Trưởng Ban Quản lý di tích Công Đình cho hay, thông thường, cứ 5 năm lễ hội lại được Nhân dân làng Công Đình tổ chức để tưởng nhớ nhị vị thần hoàng làng và các vị tiền nhân có công chăm lo, giúp dân có cuộc sống no ấm. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19 và thời gian tu bổ cụm di tích nên sau 9 năm, giờ đây dân làng Công Đình mới mở hội lại.
Tham gia vào lễ hội này không chỉ có người dân mà còn có đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương. Chị Hoàng Thị Tươi (Thái Nguyên), một du khách thích thú kể lại: “Tôi tình cờ về thăm họ hàng tại đây vào đúng dịp hội diễn ra. Được chứng kiến lễ rước từ suốt từ 7h sáng đến 12 giờ trưa, tôi mới cảm nhận được nét hay, đặc sắc của lễ hội mang đầy màu sắc tâm linh này. Những ông hiệu Cờ, hiệu Gươm… được tham gia lễ rước phải qua một quy trình chọn lựa khắt khe. Họ phải là trai làng, có mã thanh tú, gia đình hòa thuận, êm ấm, học giỏi, làng trên xóm dưới đều yêu quý. Họ phải ăn chay cả nửa tháng trước khi đóng vai ông hiệu trong lễ rước. Theo truyền thống của làng, người được chọn đong vai ông hiệu sẽ phải khao cả dòng họ.
Lễ rước tại Lễ hội Công Đình ( xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) |
Nhưng điều mà tôi cảm thấy thích thú lại chính là những thông tin có được sau khi quét mã QR tại cụm di tích đình, miếu Công Đình và đền Trúc Lâm tại đây. Hóa ra, đây chính là nơi thờ danh tướng Nguyễn Nộn cùng truyền kỳ về ngôi đền mà trúc mọc quanh năm xanh tốt, với những huyền thoại kỳ bí, đầy màu sắc tâm linh. Công nghệ quả thực đã khiến lễ hội làng trở nên đầy cuốn hút, hấp dẫn, đồng thời góp phần lưu giữ lịch sử, văn hóa cho muôn đời sau”.
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cho hay, cụm di tích Công Đình chỉ là một trong 110 di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện đã được số hóa thông tin, gắn mã QR. Tại đây các thông tin giới thiệu bằng chữ và thuyết minh tự động bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Anh) nhằm phát huy tốt việc tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch của huyện.
“Đến nay, toàn huyện Gia Lâm đã kiểm kê hiện vật và số hóa các hiện vật tại 287 di tích. Các hiện vật được đánh mã số với 15 trường thông tin, thuận lợi cho công tác kiểm kê, quản lý hiện vật tại cơ sở và huyện; dập, dịch văn bia và các tư liệu Hán Nôm tại các di tích để số hóa, lưu giữ các thần sắc, thần phả thuận lợi cho tuyên truyền giới thiệu, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Đặc biệt, với Hội Gióng ở đền Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng đã được tư liệu hóa bằng hình ảnh, video, chữ viết”, bà Hương cho biết.
Mã QR được gắn tại cụm di tích Công Đình mang đến nhiều thông tin thú vị cho người dân và du khách |
Để phát triển du lịch, huyện Gia Lâm đã xây dựng app du lịch Gia Lâm; tiếp nhận sản phẩm du lịch ảnh 3600 đối với các di tích tiêu biểu và các điểm du lịch do Sở Du lịch Hà Nội thực hiện và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Huyện với chuyên mục “Gia Lâm - Du lịch 3600”. UBND xã Dương Xá, Phù Đổng, Đình Xuyên, Bát Tràng đã phối hợp với các đơn vị lĩnh vực công nghệ đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch thông minh như ảnh 3600, trải nghiệm thực tế ảo ở một số điểm di tích tiêu biểu.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cũng tiết lộ, mới đây, hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng được ra mắt. Theo đó, hệ thống đã xây dựng mô hình AR/VR cho các địa điểm bao gồm các di tích lịch sử, nhà thờ các dòng họ, các điểm tham quan như Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, con đường gốm, chùa Kim Trúc, đền Mẫu, đình làng Bát Tràng và văn chỉ và nhà thờ của 13/19 dòng họ của làng. Các địa điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch cũng được số hóa trên hệ thống như: Nhà ký ức con đường lửa, nhà cổ Bát Tràng…
“Chúng tôi coi chuyển đổi số như là “chìa khóa” trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá văn hóa, di tích lịch sử và nghề gốm truyền thống Bát Tràng để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với làng nghề gần 1.000 năm tuổi”, ông Khôi nhấn mạnh.
Các nghi thức tại Lễ hội làng Công Đình |
Đến sự an toàn, văn minh, minh bạch trong quản lý
Với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Hà Nội đã có định hướng cụ thể bằng Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 239/KH-UBND của UBND thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thành phố đã lựa chọn các đơn vị thực hiện thí điểm chuyển đổi số như Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế Hà Nội, UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Long Biên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên…
Thu phí không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe được người dân hưởng ứng |
Cũng từ chủ trương và sự vào cuộc tích cực của các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay. Điển hình như, tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, việc quản lý phòng trọ bằng ứng dụng quản lý phòng trọ đã được triển khai tới 370 chủ trọ trên địa bàn phường. Đến nay, toàn bộ chủ trọ trên địa bàn phường đã thông báo tới 4.200 người thuê trọ cài đặt phần mềm, khai báo thông tin cư trú, phục vụ công tác quản lý rất thuận lợi. Với ứng dụng quản lý phòng trọ, khi người thuê trọ đến - đi, đều khai báo qua ứng dụng, công tác quản lý cư trú, di biến động dân cư trên phường nhờ đó được nắm bắt rất sát sao. Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi số, phường Phương Canh đã triển khai lắp 46 camera với hệ thống màn hình giám sát đặt tại trụ sở Công an phường, tạo sự thuận lợi trong quản lý dân cư và trật tự trên địa bàn.
Tại quận Tây Hồ, việc thí điểm triển khai thu phí xe không dùng tiền mặt tại phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc từ đầu năm 2024 đã mang đến sự hài lòng và ủng hộ của người dân. Từ đây, TP Hà Nội đã nhân rộng mô hình ra các quận trung tâm của thành phố với mục tiêu minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc.
Các ngành của thành phố đang từng bước xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.. |
Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: Quận đã, đang triển khai 11 nội dung phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Xác định hạt nhân chuyển đổi số từ cơ sở, từ tổ dân phố, từ phường, UBND quận ưu tiên triển khai thí điểm những mô hình chuyển đổi số phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế tại 2 phường: Sài Đồng và Việt Hưng. Hiện nay tại Sài Đồng, 100% văn bản phát hành được số hóa và thực hiện ký chữ ký số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, thu nộp thuế bằng phương thức điện tử;..
Bên cạnh đó, việc phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, khu phố của các hộ kinh doanh, khách hàng đã được người dân đồng tình ủng hộ. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả của một chủ trương đúng đắn.
Có thể thấy, sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp cùng các cấp, các ngành của thành phố đang từng bước xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số... góp phần hiện thực hóa Thủ đô Hà Nội vừa xanh, thanh bình, thịnh vượng, vừa văn hiến, văn minh, hiện đại.