Tận dụng triệt để giá trị của cây sen Việt, anh Kiều Cao Dũng (ở Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội) đã viết tiếp phần đời cho “đài sen”, biến chúng trở thành sản phẩm giấy nghệ thuật.
"Những sản phẩm của tôi đã từng làm ra được bắt đầu bằng cây sen, vì thế tôi cũng muốn tiếp tục với cây sen. Làm hoa sen giấy từ đài sen cũng xuất phát từ suy nghĩ đó. Đây là ý tưởng đầu tiên để tôi có thể làm để tăng giá trị của cây sen như mình từng mong muốn" - anh Kiều Cao Dũng (ở Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ. (Ảnh: Phan Huy)
"Tôi ấp ủ dự định này từ cách đây khoảng hơn 5 năm, đó là thời gian mà tôi đã làm được lá sen bất tử. Tôi cũng nhìn thấy được tiềm năng của những đài sen sắp bị bỏ đi trong tổng thể cây sen. Tôi nghĩ rằng, mình cần tận dụng đài sen, tạo cho nó một hình hài khác với một giá trị sử dụng cao hơn" - anh Dũng cho biết. (Ảnh: Phan Huy)
Thế rồi hàng loạt việc cần phải làm thử thách sức sáng tạo của anh Dũng trong hành trình vẽ hình hài cho xơ sen từ đài sen để tạo ra sản phẩm giấy. (Ảnh: Phan Huy)
Đài sen được sử dụng làm nguyên liệu giấy phải có kích cỡ lớn, già, mẩy và đủ số tuổi nhất định. Trước đây, những đài sen này được mua chỉ để lấy hạt rồi bỏ đi hoặc đốt làm phân tro bón lại đầm. (Ảnh: Phan Huy)
Sau khi có được đài sen như mong muốn, anh Dũng phải đi nhiều nơi để học hỏi cách làm giấy sen. (Ảnh: Phan Huy)
Khó chồng lên khó, xơ sen không thể kết dính bằng cây mò như cách làm giấy dó truyền thống. Cây bò dây leo ở Bắc Giang cũng được anh Dũng thử nhưng cũng cho ra kết quả mong muốn. Quá trình tìm chất kết dính tốn khá hnhiều thời gian và đôi lúc khiến anh Dũng cảm thấy nản. Trong một lần tình cờ đến chơi nhà một người bạn làm hương truyền thống ở Hưng Yên. Ở đó, họ sử dụng một loại bột trong thành phần nguyên liệu làm hương là bột cây bời lời ở Tây Nguyên. Loại bột này anh Dũng đem thử sử dụng cho sen thì lại hợp một cách hoàn hảo. “Giấy sen lúc đó mới chính thức được thành hình" - anh Dũng cho hay. (Ảnh: Phan Huy)
Nhìn lại quy trình để tạo ra sản phẩm giấy từ đài sen mới thấy hết sự kì công, tỉ mỉ của người thợ. (Ảnh: Phan Huy)
Đài sen sau khi được nhặt bỏ hết hạt, phơi khô qua nhiều nắng, luộc thật nhừ trong khoảng từ 8 - 10 tiếng rồi được nhặt lại một lần nữa cho thật sạch. "Phải nhặt lại vài lần cho thật sạch hạt, nếu không làm kĩ bước này, giấy sẽ bị đen và phải bỏ cả mẻ đó. Vất vả nhất là toàn bộ công đoạn đều phải làm thủ công, không có máy móc can thiệp" - anh Kiều Cao Dũng chia sẻ. (Ảnh: Phan Huy)
Đài sen sau khi được nhặt sạch thì được giã bằng tay thật kĩ sao cho các xơ sen phải tơi ra. (Ảnh: Phan Huy)
Những sợi xơ sen sau công đoạn giã nhuyễn được ủ trong hoá chất hữu cơ trong thời gian ít nhất 3 tháng trước khi vào công đoạn quan trọng. Việc tờ giấy sen có đẹp hay không là ở công đoạn ủ này có kĩ hay không. Nếu chỉ cần có một sai sót nhỏ là công sức mấy tháng có thể đổ xuống sông xuống biển. (Ảnh: Phan Huy)
Xơ sen sau thời gian "ngủ đông" 3 tháng được đưa ra để vào công đoạn chao giấy. Những xơ sen lúc này rất mịn, người thợ chao giấy phải khuấy bể xơ thật kĩ. (Ảnh: Phan Huy)
Những xơ sen được ngâm ủ và làm trắng. (Ảnh: Phan Huy)
Giấy sen của anh Dũng chỉ cần chao một lớp rồi mang đi phơi. (Ảnh: Phan Huy)
Những thếp giấy sau khi chao sẽ được phơi qua vài nắng cho thật khô rồi mới ép phẳng lại. (Ảnh: Phan Huy)
Trải qua thời gian gần 5 năm, anh Dũng mong muốn giấy sen của mình sẽ mang lại giá trị lớn hơn. (Ảnh: Phan Huy)
Đó là lý do mà anh Dũng lân la khắp nơi để học cách điệp giấy. Tuy nhiên các nghệ nhân ở đây đều từ chối việc hướng dẫn anh làm công đoạn này. May mắn, anh Dũng được một người bạn ở Quảng Ninh giới thiệu tới một người họa sĩ duy nhất ở Việt Nam làm tranh bột điệp và người này đã chỉ cho anh dũng toàn bộ bí mật của dòng tranh bột điệp và cách làm ra bột điệp sao cho đẹp nhất. (Ảnh: Phan Huy)
Những thếp giấy được quét bột điệp màu giống như một lớp bảo vệ cho giấy và tạo nên lớp óng ánh đẹp mắt. (Ảnh: Phan Huy)
Có được giấy điệp, anh Dũng lại “ăn ngủ” ở làng hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên Huế) trong một thời gian dài để được nghệ nhân nơi đây dạy cách làm hoa giấy. (Ảnh: Phan Huy)
Những bông hoa sen giấy được bán tại không gian triển lãm ở Tràng An, Ninh Bình vừa qua với giá 150.000 đồng/bông. (Ảnh: Phan Huy)
Bên cạnh tạo hình cho giấy sen, anh Dũng cũng đã kết hợp cùng họa sĩ Đinh Công Tuyến (họa sĩ duy nhất tại Việt Nam làm tranh màu bột điệp) để tạo nên những bức tranh trên giấy sen phủ bột điệp. Những bức tranh được tạo ra là độc bản và có giá trị cao. (Ảnh: Phan Huy)
"Để có được bức tranh hoa sen này, tôi phải đặt riêng anh Tuyến vẽ trong 1 tháng, hỏng khoảng 10 thếp giấy. Vẽ trên giấy sen khó hơn vì nếu sai một màu thì không thể dùng màu trắng đắp lên để sửa lại mà phải thay toàn bộ. Bức tranh này tôi hiện chỉ dùng cho việc trưng bày, chưa định được giá. Tuy nhiên, chỉ tính riêng công vẽ và khung gỗ thì bức tranh này đã có giá khoảng 20 triệu" - anh Dũng nói thêm. (Ảnh: Phan Huy)
"Từ nhỏ, tôi vốn đã có tình yêu với những nghề thủ công truyền thống bởi trong đó chứa đựng là cả hồn cốt văn hoá của dân tộc Việt. Tôi hi vọng những gì tôi làm qua dự án biến đài sen thành giấy này có thể gợi mở một hướng đi khác hơn cho nghề này. Hơn nữa tôi cũng muốn đồng hành cùng giới trẻ trong việc sáng tạo không giới hạn và không vội lùi bước trước bất kỳ thử thách nào. Con đường thành công nào cũng chông gai mà. " - anh Dũng tâm sự. (Ảnh: Phan Huy)
Hiện tại, những bông hoa sen giấy của anh Dũng không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà đã xuất hiện tại một số nước trên thế giới như Nhật, Mỹ... Sản phẩm đều được đánh giá cao về tính sáng tạo cũng như tay nghề. (Ảnh: Phan Huy)
"Bức phướn này làm hoàn toàn từ giấy sen, từ lá cho đến cánh hoa, đài hoa, nhụy hoa... đều được làm bằng giấy sen. Khoảng giữa tháng 8 này, bức phướn này sẽ được vận chuyển sang Mỹ để bàn giao cho một doanh nghiệp chuyên các sản phẩm thực phẩm năng lượng, thực phẩm chức năng từ cây sen" - anh Dũng tiết lộ. (Ảnh: Phan Huy)