Chùa Bổ Đà - tỉnh Bắc Giang: Chốn Bồng lai Tiên cảnh dần hiện về theo quy hoạch mới
Chùa Bổ Đà có tên chữ là Tứ Ân tự (四恩寺). Chùa còn có tên gọi dân gian là chùa Bổ.
Chùa Bổ Đà hiện còn nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa khác ở miền Bắc Việt Nam. Chùa còn là trung tâm Phật giáo lớn ở miền Bắc nước ta, "chốn tổ" của dòng tu Lâm Tế (một trong 4 phái tu lớn nhất Việt Nam).
Hội chùa Bổ Đà hàng năm tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch (ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà, phần lễ kéo dài từ Tết Nguyên Đán - pv), thu hút hàng vạn du khách thập phương về chùa lễ Phật cầu mong an lạc, thái bình. Đây còn là dịp để những liền anh, liền chị của các làng quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên trong những bộ trang phục truyền thống với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê của vùng Kinh Bắc xưa kia.
Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay chùa Bổ Đà vẫn là nơi tàng lưu một kho tàng di sản văn hoá quý giá của cộng đồng, bao gồm: Hệ thống tượng thờ theo quy chuẩn hệ thống tượng chùa miền Bắc, hệ thống văn bia, chuông đồng, hoành phi - câu đối, đồ thờ... Đặc biệt là kho Mộc bản chùa Bổ Đà và những thư tịch khác do các vị thiền sư phái Lâm Tế tổ chức san khắc ở thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và nhiều đời cao tăng sau này.
Mộc bản chùa Bổ Đà |
Chùa Bổ Đà xưa đã san khắc được 84 bộ kinh, ngoài ra còn có các sách, bùa, chú, giới luật… Mộc bản Bổ Đà đã từng được di chuyển đến nhiều nơi để in kinh, sách phục vụ việc hoằng dương Phật pháp của thiền phái, trong đó bao gồm cả kinh đô Huế và nhiều tỉnh thành.
Mộc bản Bổ Đà đã được tổ chức World King xác lập là Mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới. Mộc bản Bồ Đà đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Du khách đến lễ Phật, vãn cảnh chùa, xin chữ được in khắc từ mộc bản cổ |
Chùa Bổ Đà đến nay còn lưu giữ được gần 2.000 ván Mộc bản với khoảng trên 7.000 trang, gồm các kinh điển đại thừa, từ văn bản Hán kinh phật đến các văn bản chữ Nôm.
Năm 2018, Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là Bảo vật Quốc gia, điều đó đã khẳng định giá trị đặc sắc của hệ thống Mộc bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ với Chùa Bổ Đà, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân địa phương.