Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: An toàn phòng chống dịch COVID-19 cho học sinh là số 1

Đồng chí Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc trực tiếp, kết hợp trực tuyến với lãnh đạo các cấp thuộc ngành GD&ĐT về phương án ứng phó cấp bách trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại địa phương.
Sông Lô (Vĩnh Phúc): Khởi tố đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy Vĩnh Phúc hỏa tốc cho học sinh tiểu học, THCS học trực tuyến từ ngày 21/2 1.850 thanh niên Vĩnh Phúc lên đường nhập ngũ

Bảo vệ tính mạng người dân phải là ưu tiên hàng đầu

Theo Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 18/2 của Bộ Y tế, trong ngày vừa qua cả nước ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục với trên 42.400 ca mắc. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh là những địa phương có trên 2.000 ca F0. Trong đó, với chi tiết 2.158 ca F0/ngày, đây là con số ca bệnh tăng cao nhất tại Vĩnh Phúc từ trước đến nay.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Việt Hà
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Việt Hà

Trước tình hình khẩn cấp do số ca bệnh tăng đột biến tại địa phương, trong bối cảnh cả nước thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về việc cho học sinh đến trường học trực tiếp, Chủ tịch Lê Duy Thành đã đặt vấn đề, trực tiếp lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đề xuất của các cấp ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc để từ đó tỉnh có phương hướng chỉ đạo chung kịp thời.

Không phủ nhận để cùng lúc hoàn thành mục tiêu vừa chống dịch, vừa đảm bảo dạy học trực tiếp là vấn đề rất khó khăn đối với ngành GD&ĐT nói riêng, song Chủ tịch UBND quán triệt quan điểm: Phòng chống dịch, mục tiêu bất biến là bảo vệ tính mạng người dân phải là ưu tiên hàng đầu.

Với ngành GD&ĐT, nhóm học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là vừa thực hiện mục tiêu bất biến, toàn ngành cần thống nhất để đưa ra những quyết sách, giải pháp ứng phó linh hoạt một cách tối ưu nhất.

“Trong bối cảnh cấp bách hiện nay, tạm thời chúng ta phải đặt vấn đề an toàn, tạo ổn định cho xã hội lên hàng đầu, bởi vì có ổn định, an toàn thì mới nói đến chất lượng giáo dục” – Chủ tịch khẳng định.

Những điểm sáng giáo dục

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, các trường THPT trên toàn tỉnh đã chia sẻ các cách làm hiệu quả, ứng biến linh hoạt, đáp ứng 2 mục tiêu an toàn và chất lượng, phù hợp với tình hình địa phương.

Cụ thể, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Phòng GD&ĐT Bình Xuyên cho biết, ngay đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp trong học kỳ I, đến nay các trường đã cơ bản đảm bảo chương trình cốt lõi cho học sinh các cấp tiểu học và THCS. Riêng học sinh lớp 1, 2 học trực tuyến, các nhà trường, thầy cô giáo đã chủ động thống nhất, phối kết hợp chặt chẽ với phụ huynh, tổ chức lên lớp dạy học vào buổi tối khi phụ huynh ở nhà, có điều kiện hỗ trợ con, không ảnh hưởng đến giờ làm việc, nhất là Bình Xuyên là một huyện công nghiệp của tỉnh, tình hình dịch bệnh rất phức tạp.

Nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp và trực tuyến tại buổi làm việc - Ảnh: Việt Hà
Nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp và trực tuyến tại buổi làm việc - Ảnh: Việt Hà

Trưởng Phòng GD&ĐT Phúc Yên – ông Phạm Ngọc Thiệu chia sẻ, cấp tiểu học của thành phố đang thực hiện dạy trực tiếp theo hình thức giãn cách chia đôi lớp, mỗi nửa dạy học 3 ngày/tuần. Cách làm này vừa đảm bảo học sinh được học trực tiếp, vừa được giãn cách mỗi học sinh một bàn. Thành phố đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực tài trợ các bộ kit test, vận động 100% phụ huynh đồng ý, thực hiện test nhanh 1 tuần/lần tới 100% giáo viên, học sinh. Từ đó tình hình dạy học trực tiếp diễn ra bình thường, được sự đồng thuận, đảm bảo không có trường hợp lây nhiễm chéo trong lớp học.

Trưởng phòng Phúc Yên cũng cho biết, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố đã sẵn sàng phương án tổ chức cho 1 nửa học sinh học trực tiếp, 1 nửa học sinh học trực tuyến theo nhu cầu của phụ huynh mỗi lớp nhờ việc ứng dụng hệ thống webcam ở tất cả lớp học, cho phép giáo viên, học sinh dạy - học bình thường, trong thời gian thực.

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Chang – Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Yên cũng cho biết, việc chuyển trạng thái học tập trực tiếp/trực tuyến cho học sinh diễn ra rất linh hoạt. Qua 2 tuần học tập trực tiếp, hiện nhà trường có 11/24 lớp chuyển sang học trực tuyến. Không có hiện tượng học sinh F0 lây chéo trong lớp mà chiếm 65% lây từ gia đình, 28% không xác định nguồn lây. Vì đã tiêm vaccine nên các trường hợp học sinh mắc Covid có biểu hiện nhẹ như đau họng đến không có dấu hiệu. Các em thường hết triệu chứng sau 3 ngày và trở về sau 7 ngày cách ly tập trung.

Điều mà nhà trường quan tâm nhất hiện nay là tác hại của dịch bệnh COVID-19 và việc học trực tuyến trong thời gian dài vừa qua để lại hệ quả lên đời sống tâm thần của học trò. Việc thiếu các hoạt động tập thể, hoạt động thể chất và phát triển toàn diện, khi đi học trở lại, rất nhiều em tìm đến phòng tâm lý học đường của nhà trường để chia sẻ các vấn đề rối loạn cảm xúc như: lo âu, trầm cảm, đau khổ, căng thẳng.

Các đơn vị, cơ sở đều thống nhất ý kiến đề xuất tỉnh tiếp tục giao cho các đơn vị, nhà trường, theo phân cấp, chủ động điều tiết, tính toán linh hoạt, đề xuất việc tổ chức dạy học; đề nghị bổ sung kinh phí, hỗ trợ nhà trường mua kit test cho học sinh khi đến trường, nhất là loại kit test dạng ngậm thay vì ngoáy mũi đối với học sinh mầm non, tiểu học; có cơ chế thống nhất cho phép các nhà trường huy động xã hội hóa kinh phí cho vật tư xét nghiệm COVID tại nhà trường; trang bị hệ thống webcam, máy tính cố định cho các lớp học để các nhà trường, thầy cô giáo chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong việc giảng dạy học sinh trong điều kiện dịch bệnh.

Ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc là “mắt xích” quan trọng trong thành quả chống dịch

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Lê Duy Thành đúc kết, các ý kiến đều có điểm chung là xuất phát từ cái tâm với học sinh, giữ gìn sự an toàn cho con em chúng ta. Thời gian qua Vĩnh Phúc rất kiên cường trong chống dịch, trong đó lực lượng ngành Giáo dục đã vào cuộc thực hiện rất tốt nội dung này. Điểm nổi bật đó là toàn ngành đã chủ động ứng phó, không để trường hợp nào lây lan, bùng phát dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Biến trường học trở thành một “mắt xích” cực kỳ quan trọng, đóng góp vào thành tích chống dịch của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị

“Chúng tôi tôn trọng, dành quyền quyết định và chủ động cho các đồng chí trên cơ sở quan điểm thích ứng linh hoạt, an toàn là trên hết. Đồng ý chủ trương cho các trường thực hiện xã hội hóa, có chính sách nhất định hỗ trợ kinh phí cấp cho các trường cụ thể để sử dụng. Việc thiếu vật tư, điều kiện gì, chúng ta phải củng cố dần nhưng việc tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 cần được thực hiện nghiêm”.

Chủ tịch Lê Duy Thành đề nghị, sau buổi làm việc này, ngành GD&ĐT thống nhất, đưa ra đề xuất, kiến nghị tổng thể với tỉnh. Ngành Y tế cần ban hành hướng dẫn, quy định chi tiết, rõ ràng về quy trình an toàn trong trường học; lực lượng y tế cơ sở cần tham gia hỗ trợ trực tiếp với các nhà trường; tăng cường tập huấn kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho cho giáo viên, học sinh…

“Sự bình tĩnh, tự tin cùng với kinh nghiệm chống dịch, chúng ta đã làm rất tốt, nhưng có một thứ chúng ta phải phải luôn luôn cảnh giác, đó là ý thức của mọi người. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình là nội dung hết sức quan trọng để tìm ra cách ứng phó an toàn nhất, được sự đồng thuận của xã hội. Trong đó, ngành Giáo dục ứng xử với các em học sinh ra sao để tạo nên sự đồng thuận ấy, đó là nhiệm vụ của các đồng chí” – Chủ tịch Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Huyến Hà
Phiên bản di động